Theo báo Pakistan Dawn, rạng sáng 9/6, khoảng 10 tay súng mặc đồng phục cảnh sát đã dùng giấy tờ giả đột nhập vào nhà ga cũ ở sân bay Jinnah, cảng hàng không đông đúc nhất tại Pakistan. Đây là nhà ga chuyên phục vụ các chuyến bay chở hàng hóa và giới quan chức, nhà giàu.
Với hỏa lực mạnh, nhóm khủng bố tấn công lực lượng an ninh và các nhân viên hàng không tại sân bay. Lập tức lực lượng đặc nhiệm Pakistan đã bao vây nhà ga. Toàn bộ hành khách được di tản.
Cuộc đọ súng dữ dội kéo dài suốt năm giờ, ngay trên đường băng sân bay, rất gần các máy bay. Tổng cộng 27 người đã thiệt mạng, gồm mười kẻ khủng bố và các nhân viên sân bay Jinnah. Chính quyền Pakistan đã ra “cảnh báo đỏ” tại sân bay ở Lahore và Islamabad để đề phòng các vụ tấn công tương tự.
“Tôi nghe những tiếng súng dữ dội rồi tận mắt chứng kiến bọn khủng bố bắn vào lực lượng an ninh. Tạ ơn Thượng đế là tôi vẫn còn sống sót. Tình cảnh này quá đáng sợ” - AFP dẫn lời nhân chứng Sarmad Hussain, nhân viên Hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA).
Một quan chức tình báo Pakistan cho biết bọn khủng bố muốn cướp một chiếc máy bay mà hành khách đang làm thủ tục để lên nhưng bị lực lượng an ninh cản trở, do đó đã điên cuồng bắn phá.
Các nhân chứng cho biết khi giao tranh diễn ra, ba tiếng nổ lớn vang lên trong sân bay (được xác định sau đó là do ba kẻ khủng bố đã đánh bom liều chết) khiến khói đen bốc lên mù mịt.
Quân đội cho biết đã tìm thấy một lượng lớn vũ khí bọn khủng bố mang vào sân bay, bao gồm 3 súng phóng tên lửa, 5 áo khoác cài bom, 5 súng máy, 15 quả bom xăng... Theo những thông tin ban đầu, các tay súng phiến quân là người Uzbek.
Dù giao tranh diễn ra ác liệt nhưng không máy bay nào ở sân bay Jinnah bị hư hại. Quân đội cho biết sẽ sớm giao lại quyền kiểm soát sân bay cho cơ quan dân sự.
Theo báo Pakistan Today, lực lượng Taliban ở Pakistan (TTP) đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công được đánh giá là táo tợn nhất từ trước đến nay tại Karachi.
Người phát ngôn TTP Shahidullah Shahid tuyên bố đây là đòn báo thù vụ thủ lĩnh Hakimullah Mehsud bị máy bay không người lái của quân đội Mỹ sát hại hồi tháng 11/2013.
Shahid cũng bác bỏ đề nghị đàm phán hòa bình mà Chính phủ Pakistan đưa ra trước đó. “Đây chỉ là sự khởi đầu. Chúng tôi sẽ báo thù cho hàng trăm người khác.
Đây là thông điệp cho Chính phủ Pakistan thấy rằng chúng tôi vẫn tồn tại và sẽ phản ứng lại hành vi sát hại người vô tội” - Shahid tuyên bố.
Đặc nhiệm Pakistan được huy động bao vây nhóm khủng bố. Ảnh: Reuters |
Giới quan sát nhận định đây là một cú đòn kết liễu nỗ lực đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Pakistan và TTP. Năm ngoái khi lên nắm quyền, Thủ tướng Nawaz Sharif từng cam kết sẽ đàm phán với TTP để tìm giải pháp chấm dứt nhiều năm đổ máu. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã tê liệt trong nhiều tháng qua.
Trước vụ tấn công sân bay Jinnah, báo Pakistan Today đã đăng bài xã luận khẳng định hòa bình với Taliban “chỉ là giấc mơ hoang đường” của chính quyền Sharif.
Ngày 9/6, trên các trang mạng xã hội ở Pakistan, nhiều người dân nước này cũng cho rằng chính phủ cần phải mạnh tay kết liễu TTP.
Vụ tấn công khủng bố tại sân bay thành phố Karachi, trung tâm thương mại của Pakistan với 18 triệu dân, cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực thúc đẩy đầu tư nước ngoài của chính quyền nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Trên thực tế, các thành phố ở Pakistan, đặc biệt là Karachi, liên tiếp hứng chịu bạo lực trong thời gian qua. Năm 2013, theo tạp chí Foreign Policy, số lượng vụ tấn công khủng bố tại Karachi tăng 90% so với một năm trước. Con số 2.700 người thiệt mạng vì bạo lực tại Karachi năm 2013 là một kỷ lục chưa từng thấy.
Karachi - hang ổ khủng bố Theo tình báo phương Tây, Karachi hiện trở thành trung tâm để TTP, có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người Pashtun, thực hiện các hoạt động gây quỹ, tuyển dụng, huấn luyện các tay súng trẻ và tổ chức các cuộc tấn công. Theo một số ước tính, trong năm 2012 có ít nhất 8.000 thành viên TTP hoạt động ở Karachi. Thậm chí báo Wall Street Journal dẫn các nguồn tin tình báo đánh giá TTP kiểm soát gần 1/3 thành phố. Hồi năm 2011, các tay súng Taliban cũng thực hiện vụ tấn công tương tự tại căn cứ hải quân Mehran chỉ cách sân bay Jinnah khoảng 3 km, phá hủy hai máy bay tuần tra Orion do Mỹ sản xuất và giết hại 10 người trong cuộc vây hãm kéo dài 17 giờ. |