Tái xuất quốc tế

GD&TĐ - Hơn một năm qua, tất cả các ngân hàng lớn của Nga đều bị loại khỏi Hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT như một biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Nhưng tình trạng trên trong tháng 9 này sẽ bắt đầu có sự thay đổi.

Cụ thể theo nguồn tin của Reuters, Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank), một trong những ngân hàng lớn hàng đầu trong hệ thống tài chính của nước này, có thể sẽ được kết nối trở lại với hệ thống SWIFT sớm nhất là ngay trong tháng này.

Đây cũng là một điều kiện để Moscow chấp nhận gia hạn Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, khơi thông dòng chảy xuất khẩu ngũ cốc của Nga và Ukraine ra thế giới.

Đây cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy phương Tây không thể ngắt hoàn toàn nước Nga ra khỏi nền kinh tế thế giới như đòn trừng phạt do cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo đó, ngân hàng Rosselkhozbank sẽ được phép tiếp cận các giao dịch quốc tế thông qua công ty con ở Luxembourg. Công ty này sẽ đóng vai trò trung gian giữa Ngân hàng Nông nghiệp Nga với các ngân hàng nước ngoài khác.

Thông tin này được trích dẫn từ nội dung trong một lá thư của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres gửi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

Trong bức thư, ông Guterres cho biết công ty con tại Luxembourg của Rosselkhozbank là RSHB Capital SA có thể nộp đơn xin SWIFT cấp phép việc tiếp cận với hệ thống “ngay lập tức”.

SWIFT cũng xác nhận rằng RSHB Capital SA đủ điều kiện đăng ký làm thành viên và tiếp cận SWIFT đối với các giao dịch mặt hàng thực phẩm và phân bón.

Ngoài đề xuất tái kết nối Rosselkhozbank với SWIFT, các đề xuất khác nới lỏng trừng phạt Nga cũng được liệt kê trong lá thư trên như một cơ sở bảo hiểm do Liên Hợp Quốc đồng tài trợ để đảm bảo việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga.

Liên Hợp Quốc còn tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực giải phóng tài sản của Nga ở EU liên quan đến nông nghiệp và hoạt động buôn bán phân bón.

Trước đó, giới chức Nga từng nhiều lần bày tỏ thái độ chỉ trích Liên Hợp Quốc vì các đề xuất của tổ chức này không nêu rõ các động thái giúp Nga được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt, mà chỉ là những lời hứa từ Ban Thư ký Liên Hợp Quốc.

Đây cũng chính là lý do cản trở hoạt động xuất khẩu nông sản của Nga và Ukraine ra thế giới theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.

Tình hình bế tắc nói trên đã kéo dài từ tháng 7/2023 khi Nga chính thức đình chỉ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hoạt động từ năm 2022.

Thỏa thuận này vốn được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển ngũ cốc của Ukraine tới thị trường thế giới trong bối cảnh xung đột giữa Moscow và Kiev.

Ngoài ra, nó cũng được kỳ vọng sẽ giúp nới lỏng các lệnh trừng phạt của phương Tây, yếu tố ngăn cản xuất khẩu nông sản của Nga.

Phía Nga cho biết, chưa thể nối lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do phần lớn các cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu và dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các công ty liên quan của Nga vẫn chưa được thực hiện.

Giới chức Nga tuyên bố muốn nhìn thấy kết quả chứ không phải chỉ là những lời hứa và chỉ khi thấy kết quả rõ ràng thì Moscow mới ủng hộ hoạt động cung cấp ngũ cốc của Ukraine và Nga cho thị trường toàn cầu được nối lại.

Trong bối cảnh bế tắc nói trên, động thái tái tham gia hệ thống SWIFT của ngân hàng Nga Rosselkhozbank sắp tới có thể mở ra triển vọng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được nối lại.

Qua đó nguồn cung ngũ cốc và phân bón từ hai thị trường lớn hàng đầu thế giới là Ukraine và Nga mới có thể khai thông, giúp thế giới đối phó với khủng hoảng nguồn cung lương thực hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ