Thực tế thu không đủ chi
Sở GTVT TPHCM vừa đề nghị UBND các quận, huyện, đơn vị liên quan rà soát các tuyến đường sử dụng lòng đường để, đỗ xe, trong đó đề xuất bổ sung hoặc bãi bỏ phạm vi một số tuyến đường thu phí.
Động thái này được đưa ra sau hơn một năm thực hiện thu phí giữ ô tô theo giờ dưới lòng đường ở 23 tuyến đường (quận 1, 5, 10) bằng ứng dụng Myparking, nhưng đang tồn tại nhiều bất cập, trong đó kinh phí dự trù thu chưa đạt yêu cầu.
Trước đây, việc thu phí ô tô đỗ dưới lòng đường được giao cho lực lượng quản lý trật tự đô thị các quận. Nhưng kể từ 1/5/2019, công tác thu phí được giao cho lực lượng thanh niên xung phong. Việc này được kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng thất thu trước đây.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TPHCM - đơn vị được giao tổ chức thu phí đỗ xe - trong hơn một tháng (từ ngày 1/5 - 11/6), doanh thu thu phí khoảng 184,1 triệu đồng nhưng chi phí nhân công tổ chức đi thu lại hơn 840,5 triệu đồng. Từ đó, công ty này đề nghị Sở GTVT TPHCM đưa ra các chế độ chính sách bổ sung chi phí cho nhân viên công ty thực hiện việc này.
Do công nghệ chưa thông minh?
Bãi đỗ xe trên đường Lê Lai, quận 1, TPHCM thực hiện thu phí trực tuyến với mức giá 25.000 đồng/giờ. Ảnh: TG |
Theo công ty trên, người sử dụng phần mềm thu phí (Myparking) còn gặp khó khăn trong việc cài đặt, đăng ký sử dụng. Một số người dân không mặn mà với việc tải phần mềm do thời gian cài đặt lâu, tốn 15 - 20 phút.
Ngoài ra, phần mềm này lại chưa có sự liên kết với các nhà mạng khác và dịch vụ thu phí cũng chưa liên kết với nhiều ngân hàng, người sử dụng phải nạp tiền từ các cửa hàng Viettel hoặc ngân hàng liên kết mới thực hiện được giao dịch.
Có mặt tại bến đỗ xe trên đường Lê Lai, quận 1, TPHCM lúc 10 giờ 30, ngày 10/9, chúng tôi gặp anh Trương Ngọc Thắng, nhân viên Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TPHCM. Anh Thắng cho biết, từ sáng đến giờ có khoảng gần 20 chiếc xe đậu ở đây mà không có tài xế, chỉ chụp hình chờ xử lý vi phạm. Có nhiều trường hợp nhân viên chụp hình vi phạm đến 70 - 100 lần nhưng vẫn không giải quyết được. Tài xế tìm cách né thu phí.
“Đa số tài xế đỗ ở đây đều chưa tải ứng dụng phần mềm thu phí (Myparking). Chúng tôi hướng dẫn tải ứng dụng trả tiền trực tuyến qua mạng nhưng chỉ có mạng Viettel thì mới tải ứng dụng thanh toán được. Đó là lý do các tài xế không muốn hợp tác tìm cách né… Lí do họ đưa ra là nói không dùng mạng Viettel. Cần nâng cấp ứng dụng công nghệ thu phí Myparking này tích hợp được tất cả các nhà mạng sẽ giúp cho việc thu phí được thuận lợi. Đồng thời, tăng cường lực lượng chức năng thanh tra, tuần tra cùng với các chế tài mạnh để việc thu phí trên được thuận lợi hơn tránh việc thất thu như hiện nay”, anh Thắng đề xuất.
Bên cạnh bất cập do công nghệ chưa đồng bộ, việc thu phí khó khăn còn do… mức phí cao. Khu trung tâm thành phố rất ít khu đỗ xe. Để giảm kẹt xe vào trung tâm thành phố có chủ trương thu phí đỗ xe ô tô người dân rất đồng tình. Nhưng đa số tài xế cho rằng mức phí đỗ tại đây theo quy định hiện nay là hơi cao so với thu nhập của tài xế.
Nguyễn Sơn Lâm tài xế tại Bình Dương, lần đầu gửi xe tại đường Lê Lai cho biết bên cạnh việc ứng dụng thu phí trực tuyến sử dụng tiếng Anh, đôi khi làm khó cho nhiều tài xế khi tải ứng dụng thì việc hạn chế liên kết ngân hàng khiến người dùng e ngại và mức phí cao cũng là một rào cản để… tài xế không hợp tác. “Hiện tại, mức phí 25.000 đồng/giờ đậu ở đây là hơi cao có với mững người ở xa tới, có thể mức phí khoảng 15.000 đồng/giờ thì có thể chấp nhận được. Đa phần, tài xế khi đưa đón khách lên Sài Gòn thời gian ngồi chờ cũng phải từ 2 - 3 tiếng, có khi chờ hơn cả 4 tiếng thì mất gần 100.000 đồng nhiều khi về thanh toán cho công ty không được, vì không có chứng từ” - anh Lâm lý giải.