Một số vũ khí đã để lại dấu ấn sâu sắc trong cuộc chiến Ukraine - Nga, bắt đầu vào ngày 24/2, chẳng hạn như UAV cảm tử Shahed-136 của Iran đã làm rơi một chiếc MiG-29 của Ukraine, trở thành máy bay không người lái đầu tiên trong lịch sử đối đầu với tiêm kích và giành chiến thắng.
Tất nhiên đây chẳng phải trận không chiến trực tiếp mà là kết quả của một tai nạn. Phi công Ukraine đã bắn hạ ít nhất 5 chiếc UAV Shahed-136 vào ngày hôm đó, và khi bắn hạ chiếc thứ 6, các mảnh vỡ đã va vào MiG-29 khiến máy bay rơi.
Máy bay không người lái Tu-143 Reys. |
Lịch sử sẽ dành một vị trí xứng đáng cho máy bay không người lái Tupolev Tu-141 và Tu-143, thuộc cùng một dòng nhưng có phạm vi hoạt động khác nhau.
Cho đến nay, không có bằng chứng trực tiếp hoặc hình ảnh nào cho thấy Tu-141/143 đã tham gia vào cuộc tấn công căn cứ quân sự của Nga, nhưng nhiều chuyên gia Ukraine và Nga đều tin tưởng mạnh mẽ rằng phương tiện này có liên quan.
Chúng ta đang nói về vụ tập kích nhằm vào căn cứ không quân Diaghilev (ngày 5/12), Engles-2 (ngày 5/12), Halino (ngày 6/12), cũng như một máy bay không người lái bay qua các vùng không phận của Romania và Hungary, rơi xuống Croatia (ngày 10/3).
Đồng thời, các báo cáo nói rằng máy bay không người lái Tu-141/143 đã bị bắn hạ gần Kursk (ngày 5/12) và Belbek (ngày 6/12). Khi bắt đầu cuộc chiến, vào khoảng tháng 3, ba máy bay không người lái loại này đã bị bắn hạ gần Kursk.
Rõ ràng các cuộc tấn công do lực lượng vũ trang Ukraine thực hiện vào tháng 12 đã được lên kế hoạch, phối hợp và nhắm mục tiêu. Một số máy bay không người lái được cho là đã đến đích, trong khi những chiếc khác bị bắn hạ. Những UAV tiếp cận thành công căn cứ không quân của Nga đã gây ra thiệt hại ở mức đáng kể.
Trước chiến tranh, Ukraine đã có kế hoạch khác đối với máy bay không người lái Tu-141/143. Phương tiện này sẽ phục vụ trong vai trò huấn luyện các quân nhân mới của Lực lượng Không quân Ukraine.
Không có thông tin về số lượng UAV loại này trong biên chế Không quân Ukraine. Nhưng trang Wikipedia cho biết có 152 chiếc Tu-141 và 950 chiếc TU-143 đã được chế tạo. Cả hai loại máy bay không người lái đều đang phục vụ ở cả Ukraine và Nga.
Tu-141 và Tu-143 là máy bay không người lái trinh sát, trong đó Tu-143 được phát triển từ Tu-141. Chính Tu-141 đã “lọt vào tầm ngắm” của một số chuyên gia - những người cho rằng mẫu máy bay đặc biệt này được sử dụng cho các cuộc tấn công, và thường xuyên nhất là bởi Không quân Ukraine. Vì vậy T-141 được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn.
Chuyến bay đầu tiên của Tu-141 vào năm 1974 và nó được chính thức sử dụng từ năm 1979. Chiếc UAV trinh sát được trang bị camera để giám sát và chụp ảnh. Không có thông tin chính xác về thiết bị mang theo, nhưng người ta cho rằng vào những năm 1970, rất có thể nó được trang bị các cuộn phim cũ hoặc một số loại máy ảnh hồng ngoại.
Máy bay không người lái được thiết kế để xâm nhập sâu vào không phận của kẻ thù, thực hiện hoạt động trinh sát và quay trở lại hạ cánh trên một đường băng được lựa chọn đặc biệt sau khi bung dù, điều này sẽ làm giảm đáng kể tốc độ. Phạm vi hoạt động của Tu-141 - theo một số chuyên gia quân sự, chỉ gần 1.000 km.
So với các tiêm kích ngày nay, UAV dạng Tu-141 chỉ đạt tốc độ cận âm, khá chậm. Nhưng khi so với tốc độ của máy bay không người lái được sử dụng phổ biến nhất hiện nay thì vận tốc của nó vẫn là ấn tượng. Tu-141 tích hợp động cơ phản lực KR-17, nó được phóng từ một chiếc xe tải tự hành như thao tác triển khai tên lửa.
Trước các cuộc tấn công vào căn cứ của Nga, Kyiv tuyên bố rằng họ đang chuẩn bị một máy bay không người lái cảm tử mới với đầu đạn nặng 75 kg. Vẫn chưa rõ Ukraine đang đề cập đến máy bay không người lái mới hay Tu-141 sửa đổi, nhưng theo các chuyên gia quân sự, giả thiết thứ hai có nhiều khả năng xảy ra hơn.
Máy bay không người lái Tu-141 Strizh. |
Một trong những đặc điểm chính của máy bay không người lái là nó bay ở độ cao thấp. Tức là các hệ thống phòng không tầm xa không có cách nào đánh chặn.
Cho dù vì lý do này trên một nguyên nhân khác, vào tháng 3, chiếc máy bay không người lái này đã bay qua một phần không phận Romania và Hungary. Sau đó rơi xuống Croatia, địa điểm là Zagreb bên cạnh một ký túc xá đại học.
Chiếc máy bay không người lái đã được sửa đổi vai trò từ trinh sát thành máy bay không người lái chiến đấu cảm tử khi nó mang theo một quả bom OFAB-100-120 nặng 50 kg May mắn là quả bom không phát nổ hay gây thiệt hại nghiêm trọng nào.
Đây là tín hiệu đầu tiên cho thấy Ukraine sẽ cố gắng sử dụng máy bay do thám không người lái của Liên Xô làm vũ khí sát thương. Đáng chú ý là Tu-141 đã bay qua các phần lãnh thổ của 3 quốc gia NATO mà hệ thống phòng không cũng như các máy bay chiến đấu đều chẳng có phản ứng nào.
Nhưng các cuộc tấn công vào căn cứ của Nga hồi tháng 12 cho thấy rõ ràng những đơn vị kỹ thuật của Lực lượng vũ trang Ukraine đã nỗ lực cải thiện hiệu quả của máy bay không người lái.
Trước khi nâng cấp, chiếc UAV này dựa vào hệ thống định vị quán tính với con quay hồi chuyển. Tuy nhiên giờ đây, có vẻ như người Ukraine đã tích hợp điều hướng vệ tinh với sự trợ giúp của GPS.
Hệ thống dẫn đường tương thích với GLONASS của Nga cũng có thể đã được tích hợp. Chúng đã được phát triển chính xác kể từ thời điểm các chuyến bay đầu tiên của UAV Tupolev diễn ra. Người Ukraine nhiều khả năng đã nhận quyền truy cập vào chúng.
Với một trong hai hệ thống dẫn đường có sẵn, Ukraine có thể dễ dàng phối hợp tấn công vào các căn cứ không quân Nga được liệt kê ở phần đầu. Đặc biệt là vì tọa độ của chúng không bí mật và dễ dàng phát hiện ngay cả bằng phần mềm điều hướng dân sự.
Việc phóng và nhắm mục tiêu máy bay không người lái Tu-141 sẽ không gặp bất kỳ khó khăn nào. Tuy nhiên các chuyên gia quân sự cho rằng Ukraine đã gặp khó khăn trong việc dẫn những chiếc UAV này đến mục tiêu.
Tức là bằng cách này hay cách khác, Kyiv phải có một liên kết chỉ huy/liên lạc tích hợp để biến chiếc máy bay không người lái này thành một tên lửa hành trình.
Cụ thể hơn, vấn đề thực sự là phạm vi của các liên kết truyền thông này. Những căn cứ Nga nằm ngoài phạm vi thông tin liên lạc ở Ukraine. Vậy làm thế nào mà Tu-141 cất cánh từ đất Ukraine và đâm vào một căn cứ không quân cách Moskva chỉ 160 km?
Ở đây chúng ta đã bước vào lĩnh vực của những giả định rất nghiêm túc. Không có bằng chứng, nhưng có ý kiến cho rằng các đặc vụ Ukraine đã được bố trí gần những căn cứ không quân Nga bị tấn công. Tức là tại một thời điểm nào đó, họ đảm nhận quyền kiểm soát thông tin liên lạc của máy bay không người lái, chỉ dẫn cho chúng tới mục tiêu.
Ngay cả khi trường hợp này xảy ra, việc máy bay không người lái tiếp cận mục tiêu mà không bị bắn hạ vẫn gây sốc. Bay ở độ cao thấp, UAV dạng tên lửa hành trình có thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không tầm ngắn và tầm trung.
Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra, các chuyên gia quân sự đặt ra hàng loạt câu hỏi. Tại sao? Phải chăng do các hệ thống bị trục trặc, hay người Nga không bao giờ nghĩ rằng Ukraine lại dám tấn công sâu như vậy? Và chẳng phải đã có việc sử dụng tên lửa chống bức xạ để vô hiệu hóa các hệ thống phòng không tầm ngắn hay sao? Những câu hỏi nói trên vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Cuối cùng, làm thế nào Tu-141 đến được căn cứ Engels-2 vẫn còn rất đáng nói. Đây là căn cứ của Nga, nơi đặt các máy bay ném bom Tu-95 và Tu-160. Cả hai loại oanh tạc cơ đều là một phần của kho vũ khí hạt nhân của Liên bang Nga.
Do đó nhìn qua lăng kính của các nhà quan sát bên ngoài, họ tin rằng thành công của Tu-141 là do các chỉ huy Nga đã đánh giá thấp khả năng và quyết tâm chiến đấu của người Ukraine.