Tại sao Mỹ rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ - Mỹ vừa tuyên bố chuẩn bị rút 2.000 quân khỏi miền Đông Syria. Lý do mà Washington đưa ra là họ đã chiến thắng trong cuộc chiến chống “Nhà nước Hồi giáo” (IS). 

Kurdistan nằm dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ được Mỹ và phương Tây hà hơi tiếp sức từ năm 2015
Kurdistan nằm dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ được Mỹ và phương Tây hà hơi tiếp sức từ năm 2015

Quyết định rút quân khỏi Syria của Washington vào thời điểm này vấp phải phản ứng trái chiều của các nước đồng minh và ngay cả dư luận Mỹ.

Những phản ứng trái chiều

Ngày thứ Tư (19/12), trên Twitter của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: "Chúng tôi đã chiến thắng ISSyria. Trong nhiệm kỳ Tổng thống của tôi, đây là lý do duy nhất mà chúng tôi ở đó".

Trước đó, tờ Washington Post trích dẫn một nguồn tin quân sự nặc danh đưa tin, rằng chính quyền Mỹ dự định rút hoàn toàn đội ngũ quân sự khỏi Syria, với khoảng 2.000 người, càng sớm càng tốt. Washington Post cho rằng, quyết định rút quân khỏi Syria đã được đưa ra vào ngày thứ Ba (18/12), nhưng không nêu rõ lý do.

Trước một loạt chỉ trích và yêu cầu sửa đổi quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Syria, ông Donald Trump một lần nữa biện minh cho quan điểm của mình trên Twitter vào ngày thứ Năm (20/12).

Theo ông Trump, không có gì bất ngờ trong quyết định này. Đồng thời, theo lời của Tổng thống Mỹ, “Nga, Iran, Syria và nhiều người khác không hài lòng với việc rút quân của Mỹ”, bởi vì bây giờ “họ sẽ phải chiến đấu với IS và những thế lực khác, những người mà họ ghét mà không có chúng tôi”.

Các chính trị gia Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng sự hiện diện của Mỹ ở Syria là bất hợp pháp và cũng bày tỏ lo ngại về việc tạo ra một nhà nước gần như dưới quyền giám hộ của Mỹ ở bờ Đông Euphrates. Không có gì đáng ngạc nhiên khi họ (Nga) hoan nghênh quyết định rút quân của Donald Trump - Washington Post viết.

Tổng thống Nga V. Putin khẳng định: "Nếu Mỹ quyết định rút quân đội của mình thì đó là quết định đúng đắn". Tuy nhiên, ông Putin bày tỏ nghi ngờ rằng người Mỹ sẽ khó rời khỏi Syria thực sự. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, truyền thông Mỹ gọi việc rút quân là "món quà Giáng sinh cho Vladimir Putin".

Ý kiến trái chiều tương tự được đưa ra bởi các chính trị gia Mỹ. Người đứng đầu Ủy ban về các vấn đề quốc tế của Thượng viện, Bob Corker, cũng cho biết, theo hiểu biết của ông, các đồng minh của Washington về liên minh chống khủng bố quốc tế không được thông báo trước về quyết định của Tổng thống Mỹ.

Tuyên bố từ châu Âu xác nhận những lời này. Quyết định rút quân khỏi Syria của lãnh đạo Mỹ có thể gây nguy hiểm cho cuộc chiến chống IS - Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florans Parley, trên thực tế thì IS chưa bị xóa tận gốc khỏi bản đồ thế giới và như vậy, chưa thể giành chiến thắng trước tàn dư của nhóm này.

Theo đánh giá của Viện nghiên cứu chiến tranh Washington, các đơn vị IS tiếp tục kiểm soát một phần lãnh thổ ở Syria và Iraq. Trở lại vào tháng 8, Lầu Năm Góc đã công khai về 30.000 quân chiến đấu IS đang hoạt động ở các quốc gia này.

Tuần trước, chỉ trong khu vực định cư Khadzhin ở tỉnh Deir ez - Zor, nơi quân đội người Kurd với sự hỗ trợ của liên minh phương Tây đã chiến đấu với khoảng 2.000 - 2.500 kẻ khủng bố IS.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria
  • Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria

Tại sao Mỹ lại rút quân khỏi Syria vào lúc này?

Người Mỹ đã ở Syria hơn bốn năm. Mặc dù số lượng của họ không vượt quá 2.000 binh sĩ, nhưng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết cuộc xung đột Syria.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, vai trò của Mỹ ở Syria khá mờ nhạt so với Nga. Ngoài ra, Syria không còn là “con át chủ bài” trong cuộc chơi địa chính trị ở Trung Đông của Mỹ. Chính vì vậy, việc đưa ra quyết định rút quân cũng khá dễ dàng. Nó dễ dàng còn bởi Nga và Iran quyết không thay đổi quan điểm ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tuy nhiên, theo không ít các nhà phân tích, quyết định rút quân khỏi Syria của Mỹ có quan hệ mật thiết với yếu tố có tên Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân đội Mỹ đến Syria vào tháng 10/2015. Hiện tại có khoảng 2 nghìn binh sĩ. Theo các phương tiện truyền thông, 12 căn cứ quân sự của Mỹ và hai tiền đồn đã được xây dựng ở Syria, trong đó có 4 căn cứ quân sự ở tỉnh Hasek, 6 ở tỉnh Aleppo, 1 ở Deir ez-Zor và 2 ở Raqqah. Ở tỉnh Homs là căn cứ của Tanf, nơi kiểm soát con đường từ Iraq đến Syria. 

Thời gian gần đây, Ankara không che giấu sự chuẩn bị cho chiến dịch quân sự ở bờ phía Đông của Euphrates chống lại Đảng Liên minh Dân chủ của người Kurd Syria (PDS) và đội quân tự vệ tiên phong của họ (ONS).

Theo tờ Al-Watan của Syria, bằng cuộc tấn công này, Ankara có thể thiết lập quyền kiểm soát gần như toàn bộ dải biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Theo kế hoạch, cuộc tấn công này có thể bắt đầu vào đầu năm tới. Đây sẽ là chiến dịch thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar hứa rằng "phiến quân người Kurd" ở khu vực Manbij và ở phía Đông của Euphrates sẽ được “chôn cất trong chiến hào của họ".

Trao đổi với tờ “Kommersant”, hầu hết các chuyên gia phân tích chính trị đều cho rằng, người Kurd Syria sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu một cuộc đối thoại với Damascus.

Họ cũng tự tin rằng quyết định rút quân khỏi Syria của Donald Trump rất có thể là kết quả của các thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ, mặc dù quan điểm này đã bị một đại diện cấp cao của chính quyền Mỹ bác bỏ.

Để đổi lấy việc rút quân khỏi Syria, Donald Trump “có thể hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ giảm bớt áp lực đối với Ả-rập Xê-út” - một trong những đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông - Giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị Quân sự tại Viện Hudson, chuyên gia Câu lạc bộ Valdai Richard Weitz cho biết.

Và như vậy, việc Mỹ rút quân khỏi Syria, dọn đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lãnh thổ của người Kurd (Syria) nhằm ngăn chặn thương vụ mua tên lửa S-400 đình đám của Ankara cũng như kéo Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi vòng cương tỏa của V.Putin là hoàn toàn có khả năng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ