Tại sao không?

GD&TĐ - Đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn có vai trò vô cùng quan trọng, tác động đến toàn bộ quá trình dạy và học môn học.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Nhiều năm nay, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn vẫn giữ ổn định với hình thức tự luận, cấu trúc gồm 2 phần: Đọc hiểu (3 điểm) với 4 câu hỏi nhỏ; Làm văn (7 điểm) với 2 câu hỏi về nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn trong các trường THPT cơ bản cũng theo cấu trúc quen thuộc trên.

Mới đây, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn giáo viên cốt cán toàn quốc nhằm nâng cao năng lực về xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá các môn học theo Chương trình GDPT 2018. Một trong những nội dung tập huấn là hướng dẫn kỹ thuật viết câu hỏi trắc nghiệm khách quan (phần chung dành cho tất cả môn học). Việc tập huấn nhằm giúp giáo viên nắm được các công cụ đánh giá khác nhau, tính ưu việt, qua đó quyết định sử dụng phù hợp, hiệu quả trong đánh giá, đảm bảo phát huy được năng lực, phẩm chất của học sinh.

Sau tập huấn, dư luận và nhiều thầy cô quan tâm đến việc có nên hay không sử dụng câu hỏi trắc nghiệm trong đề kiểm tra Ngữ văn - một môn học rất đặc thù. Tuy nhiên trên thực tế, đề kiểm tra Ngữ văn có câu hỏi trắc nghiệm cũng không phải mới. Chương trình GDPT 2018 môn Ngữ văn đã nêu rõ:

Đề thi, kiểm tra có thể yêu cầu hình thức viết tự luận (một hoặc nhiều câu); có thể kết hợp hình thức trắc nghiệm khách quan (câu hỏi trắc nghiệm khách quan) và hình thức tự luận (câu hỏi mở) để đánh giá đọc hiểu và yêu cầu viết bài văn về một chủ đề nào đó theo từng kiểu văn bản đã học trong chương trình. Có thể sử dụng hình thức kiểm tra vấn đáp (để đánh giá nói và nghe) nếu thấy cần thiết và có điều kiện…

Nói về ưu điểm, câu hỏi trắc nghiệm có ưu thế với việc chấm bài nhanh, chính xác, khách quan; có thể sử dụng các phương tiện hiện đại trong chấm bài và phân tích kết quả kiểm tra; có thể tiến hành kiểm tra đánh giá trên diện rộng trong một khoảng thời gian ngắn. Bài có nhiều câu hỏi nên có thể kiểm tra được một cách hệ thống, toàn diện kiến thức, kỹ năng của học sinh, tránh được tình trạng học tủ, dạy tủ. Tạo điều kiện để các em tự đánh giá kết quả học tập của mình một cách chính xác.

Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức này là biên soạn khó, tốn nhiều thời gian, thậm chí sử dụng các phần mềm để trộn đề. Không hoặc rất khó đánh giá được khả năng diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ và quá trình tư duy của học sinh để đi đến câu trả lời. Không góp phần rèn luyện khả năng trình bày, diễn đạt ý kiến của mình; Học sinh khi làm bài chỉ có thể chọn câu trả lời đúng có sẵn, do đó hạn chế việc đánh giá khả năng sáng tạo của các em.

Từ kinh nghiệm thực tế, nhiều giáo viên Ngữ văn cốt cán bày tỏ ủng hộ đưa câu hỏi trắc nghiệm vào đề kiểm tra Ngữ văn ở mức độ phù hợp. Đồng thời, trên cơ sở cả ưu và nhược điểm, thầy cô cũng lưu ý tránh cực đoan (lạm dụng/hoặc bài trừ) hình thức trắc nghiệm trong kiểm tra, đánh giá môn học này.

Nói như yêu cầu của Chương trình GDPT Ngữ văn 2018, dù đánh giá theo hình thức nào đều phải bảo đảm nguyên tắc học sinh được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, tư duy hình tượng và tư duy logic, những suy nghĩ và tình cảm của mình, không vay mượn, sao chép; khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo. Học sinh cần được hướng dẫn tìm hiểu để có thể nắm vững mục tiêu, phương pháp và hệ thống các tiêu chí dùng để đánh giá các phẩm chất, năng lực này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ