Quân đội Israel đã nổ súng chống lại "những kẻ xâm nhập có vũ trang" tiếp cận khu vực biên giới giữa Israel và Ai Cập hôm 15/1, vài ngày sau khi Israel công bố kế hoạch chiếm giữ biên giới Hành lang Philadelphi dài 14 km ngăn cách Gaza và Ai Cập.
Tờ Times of Israel cho rằng, kế hoạch của Tel Aviv có thể làm leo thang thêm căng thẳng trong khu vực.
Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố rằng biên giới giữa Gaza và Ai Cập phải "đóng cửa" và Hamas không thể "bị đánh bại" nếu không làm như vậy.
"Chúng tôi sẽ đánh bại hoàn toàn Hamas, chúng tôi sẽ phi quân sự hóa Gaza, và các thiết bị quân sự cũng như vũ khí chết người khác sẽ tiếp tục tiến vào cửa ngõ phía nam này, vì vậy tất nhiên chúng tôi cần phải đóng cửa nó", ông Netanyahu nói trong cuộc họp báo hôm 14/1.
Cairo đã gửi cho Tel Aviv một loạt cảnh báo ngày càng nghiêm trọng về kế hoạch của Israel đối với hành lang này, cảnh báo rằng việc xâm nhập vào dải đất dài 14 km sẽ vi phạm Hiệp ước Hòa bình Ai Cập-Israel năm 1979.
Hôm 16/1, Giám đốc Cơ quan Thông tin Nhà nước Ai Cập Diaa Rashwan đã chỉ trích ông Netanyahu về những nhận xét "vô nghĩa" của ông liên quan đến cáo buộc vận chuyển vũ khí từ Ai Cập.
Giám đốc Rashwan nhắc lại rằng việc Israel "chiếm đóng" Hành lang Philadelphi sẽ vi phạm trực tiếp các phụ lục của hiệp ước hòa bình giữa Cairo và Tel Aviv.
Rashwan nhấn mạnh, bằng cách lên kế hoạch chiếm hành lang, Israel có nguy cơ gây bất ổn cho "người hàng xóm lớn nhất" của mình và quốc gia mà Tel Aviv đã có nhiều cuộc chiến tranh kể từ khi thành lập Israel vào năm 1948.
Ông nói thêm rằng Ai Cập sẽ "bảo vệ an ninh quốc gia của mình" và "chính nghĩa trung tâm của Palestine" nếu Israel tiến hành kế hoạch chiếm đóng khu vực biên giới.
Chuyên gia Mehmet Rakipoglu cho rằng: "Có một sự cạnh tranh lớn, một cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai quốc gia về vấn đề biên giới.
Israel không có lựa chọn nào khác ngoài việc kiểm soát hoàn toàn biên giới này, bởi vì có vẻ như họ chưa đạt được bất kỳ mục tiêu nào ở Gaza. Vì vậy, Tel Aviv có vẻ sẽ quyết thực hiện kế hoạch của mình".
Tuy nhiên nhà quan sát lưu ý rằng về mặt chiến lược, hành lang này có rất ít giá trị chiến lược đối với Tel Aviv.
"Mục đích chính của Israel trong việc kiểm soát hành lang này là trừng phạt Gaza hoặc trừng phạt người Palestine ở Gaza bằng cách tạo ra một biên giới kiên cố khác với vùng đất này.
Thứ hai, theo nguồn tin tôi được biết tiết lộ rằng, Ai Cập và Qatar đang hợp tác cùng nhau để đối phó với Israel. Vì vậy, có thể Israel đang trừng phạt Ai Cập bằng cách đe dọa nắm quyền kiểm soát biên giới", Rakipoglu nói.
Vị chuyên gia này đồng thời chỉ ra rằng làm như vậy có thể gây thiệt hại chính trị nghiêm trọng cho Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi ở Ai Cập và bị nhìn nhận như một dấu hiệu của sự yếu kém trước sự động thái của Israel.
Về thời điểm của các mối đe dọa quân đội Israel (IDF) và tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu, chuyên gia Rakipoglu tin rằng nó liên quan đến hành động của IDF trong chiến dịch tấn công Hamas ở Gaza, tổn thất về thời gian, binh sĩ và trang thiết bị cũng như tác động tâm lý của việc Hamas vẫn đứng vững trước cuộc tấn công trực diện của IDF - lực lượng từ lâu được coi là hùng mạnh nhất khu vực.
Rakipoglu tin rằng: "Ai Cập sẽ không cho phép Israel có toàn quyền kiểm soát hành lang. Ai Cập là quốc gia hùng mạnh nhất trong thế giới Ả Rập về mặt quân sự cũng như dân số.
Dân số Ai Cập là hơn 80 triệu người. Cho đến quá trình bình thường hóa năm 1978-1979, Ai Cập vẫn ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại Israel. Vì vậy, có vẻ như Ai Cập có đủ sức mạnh, có khả năng đối đầu với Israel".
Đồng thời theo Rakipoglu, Cairo không tìm cách leo thang quân sự, một phần do các vấn đề kinh tế trong nước.
"Họ sẽ cố gắng duy trì an ninh và chủ quyền ở khu vực biên giới với Israel", nhà quan sát nhấn mạnh.