Tại sao hồ nước Iran đột nhiên chuyển màu?

GD&TĐ - Trong những năm qua, hồ Urmia (Iran) đã chuyển đổi từ màu xanh tự nhiên sang đỏ như máu và biến thành bãi muối khổng lồ.

Hồ Kelimutu nhìn từ trên cao.
Hồ Kelimutu nhìn từ trên cao.

Trong những năm qua, hồ Urmia (Iran) đã chuyển đổi từ màu xanh tự nhiên sang đỏ như máu và biến thành bãi muối khổng lồ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó phải kể đến vấn đề biến đổi khí hậu.

Biểu tượng của Iran

Hồ Urmia, ở Tây Bắc Iran, là một trong những hồ lớn nhất Trung Đông và là biểu tượng của khu vực này. Từ thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên, hồ Urmia đã xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật của người dân nơi đây. Còn ngày nay, hồ Urmia là công viên dự trữ quốc gia và khu dự trữ sinh quyển của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO).

Tuy nhiên, hồi tháng 4/2016, màu nước xanh của hồ Urmia đột ngột chuyển sang đỏ như máu. Rồi đến tháng 9/2023, hồ biến thành một bãi muối khổng lồ.

Ở thời điểm nước hồ chuyển màu đỏ, nguyên nhân khá đơn giản. Các nhà khoa học cho biết, có hai nhóm vi sinh vật chính làm thay đổi màu nước hồ: Do nhóm tảo mang tên Dunaliella và nhóm vi khuẩn cổ xưa mang tên Halobacteriaceae.

Theo nhà khoa học Mohammad Tourian, giảng viên tại Đại học Stuttgart, Đức, ở điều kiện tự nhiên, tảo Dunaliella thường có màu xanh. Tuy nhiên, trong trường hợp độ mặn cao và nhiều ánh sáng chiếu vào, các vi tảo chuyển sang màu đỏ do sự sản sinh của các chất màu vàng cam hoặc đỏ, hồng. Chúng là loài sinh vật gần như duy nhất có thể tồn tại trong môi trường có độ mặn cao hay nồng độ muối vượt quá 25 - 30% như Urmia hay Biển Chết.

Trên thực tế, nước càng mặn thì tảo Dunaliella salina càng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình là tạo ra carotenoid. Đây là một hợp chất các chất dinh dưỡng quan trọng, một trong số đó được chuyển hóa thành vitamin A. Một số đó là chất chống oxy hóa, tác nhân tạo nên màu đỏ tươi, cam hay vàng rực cho các loại trái cây, rau quả.

Như vậy, vào năm 2016, khi độ mặn của nước ở hồ Urmia cao bất thường, tảo nở hoa màu đỏ thẫm. Tăng cường hiệu ứng là sự hiện diện của Halobacteriaceae, một họ vi khuẩn ăn muối và sử dụng sắc tố đỏ để hấp thụ ánh sáng mặt trời và tạo năng lượng.

Hồ Urmia không phải nơi đầu tiên gặp phải trường hợp này. Chính loại tảo và vi khuẩn trên đã tạo nên những hồ nước có màu sắc nổi bật trên thế giới như hồ Hillier, có màu hồng ở Australia đến màu hồng kẹo cao su của hồ Retba ở Senegal. Sự đặc biệt của Urmia là nó có màu đỏ thẫm như máu, thu hút những vị khách du lịch hiếu kỳ.

Việc hồ Urmia chuyển màu đỏ có vẻ không phải là hiện tượng bất thường nhưng tình trạng hồ chuyển thành muối được cho là kết quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Nguyên nhân là giai đoạn trước đó, lượng mưa ở khu vực này chỉ đạt mức trên trung bình. Nhưng từ đó đến nay, điều kiện khô hạn đã khiến mực nước giảm xuống.

Ông Tourian cho biết, thể tích hồ đã giảm với tốc độ đáng báo động là 1,03 km3 mỗi năm. Kết quả từ hình ảnh vệ tinh cho thấy lượng nước giảm với tốc độ trung bình là 220 km3 mỗi năm, cho thấy hồ đã mất khoảng 70% diện tích bề mặt trong 14 năm qua.

Việc hồ bị thu hẹp và biến thành bãi muối gây ra nhiều tác động đến hệ sinh thái và sức khỏe của con người. Đây là nơi sinh sản của nhiều loài chim nước như hồng hạc, bồ nông trắng, vịt đầu trắng và là điểm nghỉ chân của các loài di cư. Tuy nhiên, với mực nước thấp, lượng nước còn lại trong hồ mặn hơn, ảnh hưởng đến quần thể tôm và các nguồn thức ăn khác cho những loài động vật lớn hơn.

Hồ khô cạn cũng làm tăng nguy cơ bụi từ lòng hồ bị gió cuốn lên, làm giảm chất lượng không khí. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp của người dân địa phương.

tai-sao-ho-nuoc-dot-nhien-chuyen-mau-1-4751-8605.jpg
Hồ Urmia, Iran, khi còn đầy nước (trái) và khi biến thành bãi muối (phải). Ảnh: NASA

Biến đổi tự nhiên

Trong khi sự thay đổi màu sắc của hồ Urmia là một dấu hiệu cảnh báo thì nhiều hồ khác trên thế giới lại có màu sắc khá rực rỡ với những lý do “vô hại”. Ví dụ, hồ Chott el Djerid ở Tunisia có màu đỏ tươi nhưng không phải do tảo mà là do muối. Màu nước hồ thường xuyên thay đổi từ xanh lục nhạt sang hồng nhạt và cam cháy.

Còn sông Betsiboka ở Madagascar cũng có màu tương tự nhưng là do gỉ sắt. Các bản đồ lịch sử mô tả Madagascar là vùng đất giàu cát và đất sét. Bản thân sông Betsiboka trong ngôn ngữ của người dân địa phương có nghĩa là “đất đỏ” vì dưới lòng hồ có nhiều đất giàu oxit sắt.

Trong khi hồ Devil’s Bath ở New Zealand có cái tên ma mị “phòng tắm của Quỷ” vì nước hồ có màu xanh lá độc đáo. Màu nước xanh đặc biệt này được hình thành từ lưu huỳnh nổi trên mặt nước. Tùy thuộc vào góc chiếu ánh sáng và hàm lượng khoáng chất có trong nước tại thời điểm đó mà màu xanh sẽ trở nên đậm hay nhạt.

Thế nhưng, nước hồ có mùi hôi giống như mùi nước cống và trứng thối khiến nhiều người phải nôn mửa. Dù vậy, nơi đây vẫn thu hút lượng lớn khách du lịch mỗi năm.

Còn hồ Kelimutu, nằm ở Indonesia, gây ấn tượng bởi khả năng biến hóa màu nước tài tình. Đây là quẩn thể 3 hồ nước nằm liền kề nhau trên đỉnh của một ngọn núi lửa, với ba màu đen, xanh ngọc và đỏ. Theo các nhà khoa học, sự thay đổi màu sắc của nước trong hồ là do sự phản ứng hóa học của trữ lượng khoáng sản hay ảnh hưởng của các sinh vật, rong rêu và đá trong miệng núi lửa tạo ra.

Thiên nhiên mang lại những màu sắc kỳ lạ cho các dòng nước nhưng sự biến đổi khí hậu có thể làm mất đi dáng vẻ đẹp đẽ đó. Tại Iran, chính phủ đang tìm cách khôi phục nguồn nước tại hồ Urmia không chỉ nhằm tái tạo hồ mà còn xây dựng thảm sinh vật phong phú cho nơi đây. Tuy nhiên, với tình trạng mưa thấp, toàn bộ Iran đều nằm trong tình trạng thiếu nước khiến việc cải tạo hồ Urmia trở nên khó khăn.

“Nhiều người đã đấu tranh yêu cầu khôi phục tình trạng hồ trong nhiều năm qua nhưng Iran đang cạn kiệt nguồn nước. Vấn đề sẽ ngày càng trở nên tồi tệ nếu chính phủ không thay đổi chính sách”, ông Tourian nhấn mạnh.

Theo IFL

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.