Với ông Phạm Nhật Vượng, đây là năm thứ 6 liên tiếp ông có tên trong danh sách của Forbes, với tài sản 4,3 tỷ USD, đứng thứ 499 thế giới, tăng 1,9 tỷ USD so với năm ngoái.
Xây dựng, bán, xây dựng tiếp – điệp khúc tạo nên sự thành công đột phá của Vingroup trong lĩnh vực bất động sản và của cá nhân tỷ phú Phạm Nhật Vượng hơn 17 năm từ ngày trở về Việt Nam. Tốc độ phát triển thần tốc trong mảng địa ốc đã đặt Vingroup ngang hàng với những nhà phát triển bất động sản hàng đầu trong khu vực.
Người thứ 2 được Forbes công nhận tỷ phú USD ở Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, với tài sản 3,1 tỷ USD, đứng thứ 766 thế giới trong năm 2018.
Là thành viên sáng lập, kiêm Tổng giám đốc của Vietjet, bà Thảo là một trong những nhân tố quan trọng đưa hãng bay này trở thành đối thủ sừng sỏ “chia lại” thị phần trên bầu trời với Vietnam Airlines.
Ông Trần Đình Long là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Hòa Phát, từng được ví như "vua" thép ở Việt Nam.
Năm 2017, doanh thu hợp nhất Hòa Phát đạt 46.800 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử khi đạt 8.000 tỷ đồng, vượt 33% so với kế hoạch và tăng 21% so với năm trước. Cổ phiếu của Hòa Phát, nhờ vậy, đã ghi nhận đà tăng mạnh chỉ trong 3 tháng gần đây. Và điều này cũng là yếu tố giúp ông Long xuất hiện trong danh sách của Forbes, khi vị chủ tịch này đang sở hữu hơn 380 triệu cổ phiếu HPG.
Ông Trần Bá Dương là Chủ tịch Thaco. Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco), do gia đình ông Dương sở hữu hơn 70% vốn là doanh nghiệp đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam dù chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Khác với những vị tỷ phú còn lại, tài sản của ông Dương không thể xác định biến động hàng ngày như giá cổ phiếu trên thị trường.