Tài sản chứng khoán của Trịnh Văn Quyết còn lại bao nhiêu?

GD&TĐ - Sau khi tỷ phú Trịnh Văn Quyết bị bắt, hàng loạt cổ phiếu họ FLC lao dốc, tuy nhiên, khối tài sản của ông tại các công ty chứng khoán vẫn ở mức hàng nghìn tỷ đồng…

Ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ khối tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ khối tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Còn lại những gì?

Theo các thông tin công khai, hiện nay tỷ phú Trịnh Văn Quyết đang là cổ đông lớn và đứng tên trực tiếp ở 5 công ty với khối tài sản được thống kê khoảng trên 7.309 tỷ đồng.

Các công ty mà ông Trịnh Văn Quyết đứng tên cổ đông bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư khai khoáng & Quản lý tài sản FLC (mã chứng khoán GAB: Hose), Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC: Hose), Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS: Hose) và Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS (mã chứng khoán BOS: HNX)

Về tỷ lệ sở hữu, trong số 5 công ty nêu trên, ông Trịnh Văn Quyết nắm tỷ lệ sở hữu cao nhất tại Công ty Cổ phần Đầu tư khai khoáng & Quản lý tài sản FLC với 51,09%, tương đương 1.495 tỷ đồng. Người sở hữu tỷ lệ cổ phiếu nhiều thứ 2 sau ông Quyết tại GAB là ông Trần Thế Anh với 4,93%, tương đương khối tài sản trên 144 tỷ đồng.

Tại Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), ông Trịnh Văn Quyết sở hữu khối tài sản trên 4.540 tỷ đồng, tương đương 43,24% cổ phần.

Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, ông Quyết sở hữu khối tài sản trên 1.176 tỷ đồng, tương đương 30,34% cổ phần.

Tại Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS: Sàn Hose) và Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS (mã chứng khoán ART: Sàn HNX), ông Quyết sở hữu khối tài sản lần lượt là 80 và 17 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu tương đương 4,18% và 3,26%.

Theo thống kê của Fireant, tổng tài sản của ông Trịnh Văn Quyết tính đến thời điểm hiện tại là trên 7.309 tỷ đồng.

Ngoài 5 công ty nêu trên, ông Quyết còn có quyền lợi liên quan tại một số công ty khác là Công ty Cổ phần Nông Dược HAI (mã chứng khoán HAI: Sàn Hose) với tỷ lệ sở hữu là 8,26%/vốn điều lệ của công ty này là trên 1.826 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản FLC Stone – do Tập đoàn FLC đứng tên cổ đông.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Nông Dược HAI sở hữu 3 công ty con khác là Công ty TNHH Đầu tư và phát triển địa ốc HAI, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại HAI Long An và Công ty TNHH Nông Dược HAI Quy Nhơn.

Còn Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản FLC Stone hiện đang sở hữu 2 công ty con và 1 công ty liên kết là Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản Lam Sơn, Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại & Xuất Nhập khẩu Vạn Xuân và Công ty Cổ phần Decohouse.

Các công ty liên quan ông Trịnh Văn Quyết làm ăn thế nào?

Bức tranh tài chính của các công ty liên quan ông Trịnh Văn Quyết cũng có nhiều màu sắc, trong đó, FLC đang ghi nhận các khoản lỗ lớn và nợ phải trả ở mức cao.

Đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, các số liệu báo cáo thống kê năm 2019, 2020, 2021 cho thấy: Tổng tài sản (số liệu làm tròn) lần lượt là 32.012; 37.836 và 33.787 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 17.587; 19.915 và 17.636 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của FLC cũng giảm mạnh trong thời gian này lần lượt là 11.644; 13.424 và 9.722 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả luôn ở mức cao gấp đôi vốn chủ sở hữu. Nợ phải trả ngắn hạn lần lượt là 20.367; 24.411 và 24.064 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của FLC cũng giảm mạnh trong 3 năm gần đây lần lượt (số liệu làm tròn) là 301; 159 và 84 tỷ đồng. Bước sang quý I/2022, lợi nhuận sau thuế của FLC lỗ trên 465 tỷ đồng.

Đối với Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS), báo cáo tài chính các năm 2019, 2020, 2021 cho thấy, công ty làm ăn có lãi, nhưng lợi nhuận cũng giảm mạnh.

Tổng tài sản ngắn hạn của ROS biến động lần lượt là 10.649; 10.488; 12.001 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 6.041; 6.008; 6.103 tỷ đồng và nợ phải trả lần lượt là 4.607; 4.474; 5.897 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của ROS biến động lần lượt là 178; 856 và 95 tỷ đồng. Hiện chưa có thông tin cập nhật tình hình kinh doanh quý I/2022 của ROS.

Với, các công ty khác, số liệu lợi nhuận cũng có xu hướng giảm, nợ phải trả tăng trong khi các thông tin bất lợi liên tục xuất hiện.

Trong đó, đáng chú ý là nhiều mã cổ phiếu như: FLC, ROS, HAI bị cấm giao dịch phiên sáng và chỉ giao dịch phiên chiều bắt đầu từ ngày 1/6 tạo thêm hệ sinh thái FLC.

Chưa dừng lại ở đó, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của FLC tổ chức sáng 10/6 cũng thất bại. Chỉ có 239 cổ đông tham dự, tương đương với đại diện của 239 triệu cổ phần, chiếm 33,77% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, số lượng cổ đông tham dự họp lần 1 phải đảm bảo ít nhất 50% số lượng cổ phần có quyền biểu quyết tham dự theo cả hình thức trực tiếp và ủy quyền. Do đó, FLC sẽ triệu tập cuộc họp khác vào ngày 2/7/2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ