74,8 triệu cổ phiếu "bán chui" và vết trượt dài của tỷ phú Trịnh Văn Quyết

GD&TĐ - Từ một tỷ phú giàu nhất nhì sàn chứng khoán Việt Nam, trong năm 2022, những bê bối trên thị trường chứng khoán khiến ông Trịnh Văn Quyết vướng vòng lao lý.

Bán chui 74,8 triệu cổ phiếu

Báo chí dẫn thông tin báo cáo quản trị của FLC cho biết, đến hết năm 2021, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu hơn 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% tổng số cổ phiếu của tập đoàn này.

Ngoài ra, ông Quyết còn sở hữu hơn 23,7 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phiếu Xây dựng FLC Faros (ROS), 7,5 triệu cổ phiếu GAB của Công ty Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC và hơn 3,1 triệu cổ phiếu ART của Công ty chứng khoán BOS.

Lúc 17h45’, ngày 10/1/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) nhận được Báo cáo số 31/SGDHCM-GS đề ngày 10/1/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Mã chứng khoán: FLC, niêm yết tại HOSE) nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Trước đó, trên website của FLC đã xuất hiện thông báo đăng ký giao dịch của cổ đông nội bộ, đề ngày 5/1/2022. Theo đó, ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu, thời gian giao dịch dự kiến từ 10/1 đến 17/1. Mục đích được nêu là cơ cấu lại danh mục tài sản. Phương thức giao dịch thoả thuận hoặc khớp lệnh.

Đây cũng là phiên ghi nhận biến động mạnh về thị giá và thanh khoản. Cổ phiếu FLC từ mức tăng trần 24.100 đồng giảm sàn còn 20.950 đồng, sau đó nhích nhẹ lên và đóng cửa tại 21.150 đồng. Khối lượng sang tay trong phiên này xấp xỉ 135 triệu cổ phiếu, tương đương 20% vốn của FLC. Đây cũng là kỷ lục từ khi từ khi doanh nghiệp này niêm yết trên sàn TP. Hồ Chí Minh vào năm 2013.

Giao dịch “chui” trên khiến cổ phiếu FLC và các mã liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục bị bán tháo trong phiên 11/1. Cổ phiếu FLC có thời điểm mất hết biên độ, xuống 19.100 đồng trước khi tăng lên 19.900 đồng. Khối lượng giao dịch trong phiên ngày 11/1 lại phá kỷ lục với 154,95 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.

Sự việc trên đã làm chao đảo thị trường chứng khoán trong nước. Trước phản ứng mạnh mẽ từ dư luận, tối ngày 11/1, HOSE đã phát đi thông báo về việc hủy giao dịch bán cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết.

Ông Trịnh Văn Quyết với việc bán chui 74,8 triệu cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán chao đảo. Ảnh minh họa.
Ông Trịnh Văn Quyết với việc bán chui 74,8 triệu cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán chao đảo. Ảnh minh họa.

Tiếp ngay sau đó, Bộ Tài Chính cũng đã ra Quyết định số 19/QD-UBCK về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết từ 11/1/2022.

Đến ngày 18/1, SSC đã ra Quyết định số 34/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết. Theo Quyết định này, ông Trịnh Văn Quyết bị xử phạt 1,5 tỷ đồng, đây cũng là mức phạt là cao nhất theo Nghị định 128 về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán.

Bên cạnh đó, ông Quyết còn bị SSC đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng, quy định tại điểm b, khoản 7, điều 33 nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 27, điều 1 nghị định số 128/2021/NĐ-CP kể từ ngày 18/1.

Đây không phải lần đầu tiên ông Quyết vướng vào bê bối liên quan đến hoạt động trên thị trường chứng khoán. Hành vi “bán chui” cổ phiếu lần này của vị tỷ phú khiến dư luận nhớ lại thời điểm tháng 11/2017. Khi ấy, ông Quyết cũng có hành vi tương tự khi “bán chui” 57 triệu cổ phiếu nhưng không báo cáo thông tin giao dịch với SSC và HOSE.

Thông tin trên báo chí, vào thời điểm đó, trong 3 phiên giao dịch ngày 20/10/2017; 23/10/2017 và 24/10/2017, khối lượng cổ phiếu FLC trên thị trường tăng gấp 2 - 3 lần khối lượng giao dịch trước đó.

Cụ thể ngày 20/10/2017, tổng khối lượng giao dịch hơn 29,6 triệu cổ phiếu (ngày 19/10/2017 hơn 8,7 triệu cổ phiếu), ngày 23/10/2017 lên hơn 48 triệu cổ phiếu và ngày 24/10/2017 lên 25,5 triệu cổ phiếu.

Việc giao dịch của ông Quyết được thực hiện khi một cổ phiếu FLC ở ngưỡng 7.100 - 7.700 đồng, với giá trị giao dịch thu về ước tính đạt hơn 400 tỷ đồng.

Ngày 10/11/2017, SSC đã ban hành Quyết định số 1039/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết liên quan đến lần “bán chui” cổ phiếu này. Theo đó, ông Quyết bị xử phạt hành chính số tiền 65 triệu đồng. Hình phạt trên được dư luận thời điểm đó xem là khá nhẹ so với số lợi nhuận mà Chủ tịch FLC thu về.

Tỷ phú “nhúng chàm”

Tưởng chừng vụ việc “bán chui” cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết sẽ dừng lại ở mức phạt mà SSC ban hành. Tuy nhiên, hơn 2 tháng sau đó, nhiều cơ quan báo chí thông tin xác nhận về việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết trong thời gian từ ngày 26/3 đến ngày 25/4 để làm rõ một số nội dung liên quan đến việc “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu trước đó hơn 2 tháng.

Sau đó, đến ngày 27/3 (chủ nhật) , mạng xã hội rộ lên thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt giam. Tin đồn tiêu cực liên quan đến ông Quyết chưa được xác nhận nhưng đã tác động thẳng vào thị trường chứng khoán ngay trong phiên giao dịch đầu tuần.

Theo thông tin cho biết, cổ phiếu “họ” FLC nằm sàn ngay từ giờ mở cửa, nhà đầu tư ồ ạt bán tháo, tới kết phiên vẫn còn cả trăm triệu cổ phiếu dư bán giá sàn. Vốn hoá FLC bốc hơi 710 tỷ đồng, giảm từ 10.365 tỷ đồng, xuống 9.655 tỷ đồng. Thanh khoản nhóm này giảm mạnh, cổ phiếu trắng bên mua kéo theo nhiều mã bất động sản giảm mạnh. Đóng cửa, VN-Index giảm hơn 15 điểm (1,02%) xuống 1.483 điểm trong khi giá trị khớp lệnh HoSE tăng gần 35% so với phiên trước, đạt 30.491 tỷ đồng.

Cuối ngày 28/3, chưa ai có thông tin chính xác việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt thực hay hư ra sao nhưng thị trường chứng khoán sang đến ngày 29/3 vẫn tiếp tục biến động theo hướng bất lợi cho các cổ phiếu “họ” FLC.

Đến cuối giờ chiều ngày 29/3, thông tin về việc ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam được Bộ Công an công bố rộng rãi.

Theo đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết về tội Thao túng thị trường chứng khoán, quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự. Song song với đó, cơ quan chức năng cũng tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm.

Cơ quan điều tra thực hiện khám xét và tống đạt quyết định khởi tố ông Quyết tại trụ sở Tập đoàn FLC. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Cơ quan điều tra thực hiện khám xét và tống đạt quyết định khởi tố ông Quyết tại trụ sở Tập đoàn FLC. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Cơ quan chức năng cho hay, hành vi Thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết được xác định diễn ra từ đầu tháng 12/2021 đến ngày 10/1/2022.

Cụ thể, ông Quyết chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc “thổi giá” cổ phiếu.

Bằng việc liên tục mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn, những cá nhân này đã tạo ra cung cầu giả đẩy giá cổ phiếu FLC lên cao. Trong khoảng thời gian đã nêu, nhóm ông Quyết tham gia 28/28 phiên giao dịch, số lượng đặt mua chiếm 12% và số lượng đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng thị trường.

Với hành vi này, giá cổ phiếu FLC từ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 liên tục tăng, thậm chí tăng trần nhiều phiên, mức cao nhất lên tới 24.000 đồng/cổ phiếu.

Khi giá cổ phiếu FLC “đạt đỉnh”, ông Quyết chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu. Trong đó, số lượng đã khớp lệnh là 74,8 triệu cổ phiếu, với giá trung bình là 22.500 đồng/cổ phiếu.

Toàn bộ số cổ phiếu này được “bán chui”, không công bố trước khi thực hiện giao dịch. Nhờ “chiêu trò” trên, ông Quyết thu về gần 1.700 tỷ đồng sau khi bán cổ phiếu, hưởng lợi hơn 530 tỷ đồng.

Liên quan đến việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Quyết, Tiến sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp khi ấy trao đổi với PV báo Giáo dục và Thời đại rằng đây là một diễn biến khá bất ngờ với nhiều cười bởi trước đó ông Quyết đã bị SSC xử phạt hành chính liên quan đến việc “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu.

Theo Luật sư Cường, về nguyên tắc là một hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một lần. Nếu hành vi vi phạm mà bị xử phạt hành chính rồi thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp xử lý hình sự thì phải hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Loạt tên tuổi cộm cán nào ở FLC giúp sức ông Trịnh Văn Quyết?

Sau khi vị chủ tịch bị bắt tạm giam, Tập đoàn FLC đã phát đi thông cáo về việc ông Trịnh Văn Quyết đã tiến hành ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến (Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn FLC) thay mặt và đại diện cho ông Trịnh Văn Quyết thực hiện các công việc, quyền của Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt; cũng như toàn bộ quyền cổ đông tại 2 doanh nghiệp nói trên theo đúng quy định pháp luật và điều lệ của công ty.

Đồng thời, ông Trịnh Văn Quyết cũng ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến toàn bộ các quyền liên quan đến các tài sản, quyền tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết.

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị tạm giam, liên tiếp các ngày sau đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều tên tuổi “cộm cán” ở FLC để điều tra về hành vi giúp sức cho ông Quyết thực hiện hành vi Thao túng thị trường chứng khoán.

Cụ thể, ngày 4/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can số 100/QĐ-VPCQCSĐT, Lệnh bắt bị can để tạm giam số 31/LB-VPCQCSĐT thời hạn 3 tháng đối với bà Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC – em gái ông Quyết). Cơ quan điều tra xác định, bà Trịnh Thị Minh Huế có vai trò đồng phạm giúp sức Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội thao túng thị trường chứng khoán.

Bà Hương Trần Kiều Dung (Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực Tập đoàn FLC) là một trong những cái tên bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ án.
Bà Hương Trần Kiều Dung (Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực Tập đoàn FLC) là một trong những cái tên bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ án.

Tiếp đó, ngày 5/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bà Trịnh Thị Thuý Nga (Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BOS) về tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Theo cơ quan điều tra, bà Trịnh Thị Thúy Nga sẽ bị bắt tạm giam với thời hạn 3 tháng để điều tra làm rõ hành vi phạm tội. Đáng chú ý, bà Nga cũng là một em gái ruột khác của ông Trịnh Văn Quyết.

Sau đó, đến ngày 8/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam bà Hương Trần Kiều Dung (Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực Tập đoàn FLC) và bà Nguyễn Quỳnh Anh (Tổng Giám đốc Công ty CP chứng khoán BOS). 2 cá nhân trên cũng bị tạm giam 3 tháng để điều tra về vai trò đồng phạm giúp sức ông Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi Thao túng thị trường chứng khoán.

Trước khi bị bắt tạm giam, ngày 6/4, SSC đã ban hành Quyết định số 192/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với bà Hương Trần Kiều Dung.

Bà Hương Trần Kiều Dung bị phạt tiền 70 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm thành viên Hội đồng quản trị của một công ty đại chúng đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị tại quá 5 công ty khác.

Việc điều tra vụ án đang tiếp diễn

Liên quan đến vụ án trên, đại diện Bộ Công an cho biết Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tích cực điều tra những cá nhân giúp sức tích cực, tạo điều kiện để ông Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi vi phạm.

Trong quá trình xác minh điều tra, cơ quan công an sẽ xem xét, làm rõ mục đích, vai trò của từng người để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Ở một diễn biến mới nhất, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản gửi UBND tỉnh các tỉnh/thành phố, liên quan đến việc điều tra vụ án Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và một số đơn vị khác.

Theo đó, Bộ Công an đề nghị các địa phương rà soát, cung cấp tài liệu về tài sản như bất động sản, cổ phần, cổ phiếu… đứng tên các cá nhân gồm ông Trịnh Văn Quyết, bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết) và hai em ruột Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế.

Bộ Công an cũng đề nghị các tỉnh tạm dừng cho giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp... với các khối tài sản như bất động sản, cổ phần, góp vốn, cổ phiếu của ông Quyết và các cá nhân trên.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng có văn bản gửi các ngân hàng: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đề nghị phối hợp cung cấp hồ sơ mở tài khoản, sao kê tài khoản, sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch để phục vụ công tác điều tra vụ án liên quan đến Tập đoàn FLC.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị các ngân hàng trên phối hợp cung cấp: Hồ sơ mở tài khoản; thông tin tài khoản thanh toán, tiết kiệm, tiền vay (VNĐ và ngoại tệ) sao kê tài khoản; sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch (các bút toán giao dịch ký, nhận, chuyển tiền) từ năm 2016 đến nay của các tổ chức, cá nhân (khóa chiều ghi nợ đối với tài khoản cá nhân).

Cơ quan điều tra đề nghị ngân hàng phối hợp cung cấp nội dung thông tin trên đối với ông Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế, và 3 cá nhân khác có liên quan đến Tập đoàn FLC.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.