Nga tái hiện chiến dịch tên lửa tháng 10/2022
Thời báo Á-Âu (EurAsian Times) có bài viết cho rằng, VKS Nga tiếp tục “chiến thuật Surovikin” vào ngày 21/9, mở đầu cho một làn sóng không kích mới của Nga đã bắt đầu, tương tự như đợt không kích dữ dội kéo dài hàng tháng trời bắt đầu từ mùa đông năm 2022 đến mùa xuân 2023.
Lực lượng vũ trang Ukraine đã không thể chống lại đòn đánh của Nga, bất chấp thực tế là chính quyền Kiev trong hơn 1 năm qua đã nhận được một số lượng lớn các khẩu đội phòng không phương Tây từ khắp nơi trên thế giới.
Sau một cuộc tấn công tên lửa lớn, 5 khu vực ở phía Tây, miền Trung và miền Đông Ukraine đã bị mất điện.
Theo nhà điều hành mạng Ukrenergo, cuộc tấn công ngày 21 tháng 9 là cuộc tấn công đầu tiên của Nga sau sáu tháng vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng năng lượng-quân sự quan trọng.
Trong cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái kéo dài từ ngày 10 tháng 10 năm 2022 đến ngày 9 tháng 3 năm 2023, Nga đã sử dụng các loại tên lửa: Kinzhal, Kalibr, X-22 (Kh-22) Burya, X-55 (Kh-55), X-101 (Kh-101), tên lửa phòng không S-300, cũng như máy bay không người lái của Nga “Geran-2”.
Tất cả các chi tiết chính xác về kế hoạch tấn công đều được giữ bí mật nhưng theo giới chuyên gia quân sự, mỗi ngày có hàng trăm tên lửa được phóng đi từ không phận Nga (từ nền tảng phóng là máy bay ném bom chiến lược), từ tàu chiến trên Biển Đen và cả từ Biển Caspian.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, các cuộc tấn công chỉ được thực hiện đối với các cơ sở hạ tầng được sử dụng cho mục đích quân sự, ví dụ như các nhà máy công nghiệp quốc phòng, sân bay quân sự và nhà ga vận chuyển, trạm trung chuyển thiết bị của NATO.
Chuyên gia quân sự Patrick Bolder từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague cho biết trong một cuộc phỏng vấn với BNR Nieuwsradio rằng, người Nga có thể hành động chính xác đến từng chi tiết, minh chứng là vụ tấn công phá hủy hai cảng trên sông Danube là Ismail và Reni.
Theo Bolder, nếu các chủ thể dân sự ở Ukraine được sử dụng cho các hoạt động quân sự bí mật thì theo quan điểm của luật pháp quốc tế, chúng sẽ trở thành mục tiêu hoàn toàn hợp pháp.
Ukrenergo thông báo rằng, sau vụ tấn công mới nhất vào ngày 9 tháng 3 năm nay, các tổ máy phát điện cho công suất năng lượng 6,8 GW vẫn không thể hoạt động được. Sau đó, chính quyền Kiev đã cố gắng sử dụng thiệt hại từ các vụ tấn công của Nga để nhận thêm các hệ thống phòng không từ NATO.
Phương Tây không thể vá lỗ hổng phòng không của Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã kêu gọi các đồng nghiệp phương Tây cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không mới vào mùa đông năm nay, nhất là các hệ thống Spada và IRIS-T.
Trong suốt một năm rưỡi, các nước NATO đã cung cấp cho Lực lượng vũ trang Ukraine khoảng 40 khẩu đội phòng không với nhiều chủng loại khác nhau.
Các thành viên NATO tự hào về sự “hỗ trợ” phòng không kịp thời, đa dạng cho Lực lượng Vũ trang Ukraine, nhưng họ lại giẫm phải vết đổ tương tự như các đơn vị thiết giáp, khi vội vã trang bị nhiều loại xe tăng và xe chiến đấu bộ binh, với khả năng hoàn toàn khác nhau.
Ví dụ như Quân đội Ukraine đã sử dụng xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC của Pháp trên hướng tấn công Zaporozhye cho các cuộc tấn công chiến thuật, nhưng chuyên gia quân sự Pháp Michel Goya cho biết, loại xe bọc thép hạng nhẹ và cơ động này chỉ có thể được sử dụng để đổ bộ bộ binh.
Và kết quả là chỉ trong những ngày đầu tiên của cuộc “phản công”, do sai lầm của bộ chỉ huy Ukraine ở Zaporozhye, ít nhất 4 chiếc AMX-10 RC đã bị thiêu rụi.
Tờ Eurasian Times khẳng định, Kiev không thể tạo ra một hệ thống phòng không hoàn chỉnh từ các tổ hợp phòng không khác nhau mà phương Tây cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Ukraine. Điều này đã được chứng minh gián tiếp qua sự tổn thất của các khẩu đội NATO.
Theo tính toán của các chuyên gia từ dự án phi lợi nhuận Oryx, trong cuộc chiến phản pháo, pháo phòng không FV4333 Stormer của Anh, radar SkyGuard Aspide của Ý, radar TRML-4D của Đức và ít nhất 11 radar AN/TPQ của Mỹ (với nhiều sửa đổi khác nhau) đã bị phá hủy.
Hơn nữa, đây chỉ là những ước tính tổn thất tối thiểu; rõ ràng là còn nhiều tổn thất khác nữa chưa được công bố.
Ngoài trang bị của NATO, chế độ Kiev còn mất hàng trăm bệ phóng tên lửa của Liên Xô. Theo ước tính của Oryx, ít nhất 66 bệ phóng của hệ thống phòng không S-300 và ít nhất 56 bệ phóng phòng không Osa, Buk và Tor đã bị máy bay không người lái, tên lửa, pháo binh Nga phá hủy.
Việc Nga phá hủy tất cả các thành tố của hệ thống phòng không như radar, bệ phóng, xe vận chuyển đạn…, sẽ làm suy yếu hệ thống phòng thủ tên lửa toàn quốc của Ukraine, mà những hệ thống bổ sung của phương Tây vẫn không thể lấp đầy các lỗ hổng này.