Tái định hình thế giới

GD&TĐ - Trong bối cảnh thế giới thay đổi do dịch bệnh, vấn đề Covid-19 đã phủ bóng cuộc họp thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển G7.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Các nhà lãnh đạo nhóm họp tại Anh vừa qua cũng có quan điểm cứng nhằm trực diện vào Trung Quốc, báo hiệu một giai đoạn mới trong đối ngoại quốc tế.

Hội nghị G7 lần này diễn ra sau hai năm gián đoạn vì đại dịch đã đi sâu vào nhiều vấn đề vốn được cho là đặc biệt nhạy cảm như điều tra nguồn gốc Covid-19 và chỉ trích Bắc Kinh trong hàng loạt các vấn đề liên quan tới Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương.

Bằng việc nhằm thẳng vào Trung Quốc mà không hề né tránh, giới phân tích cho rằng, hội nghị G7 lần này thực sự mang tham vọng tái định hình thế giới sau những xáo trộn dữ dội vừa qua.

Hầu hết, các vấn đề chính trong thông cáo chung của hội nghị G7 đều ít nhiều liên quan đến Trung Quốc. Đầu tiên là việc nhóm các nước phát triển nhất thế giới chính thức kêu gọi tiến hành một cuộc nghiên cứu minh bạch và dựa trên cơ sở khoa học về nguồn gốc của Covid-19.

Cũng liên quan đến đại dịch, G7 tuyên bố cung cấp một tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 trong năm tới cho các nước thu nhập trung bình và thấp, đồng thời cam kết đẩy mạnh sản xuất vắc-xin để cung ứng cho nhu cầu của thế giới đẩy lùi đại dịch.

Đặc biệt, G7 còn đưa ra sáng kiến về cơ sở hạ tầng mang tên “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W). Đây được coi là đối trọng với sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) của Trung Quốc.

Theo đó, các nước G7 cần chi ít nhất 40.000 tỷ USD cho xây dựng cơ sở hạ tầng đến năm 2035. Sáng kiến này được các nước kỳ vọng sẽ trở thành một nền tảng cho các quan hệ đối tác minh bạch trong xây dựng cơ sở hạ tầng trên thế giới.

Những lập trường trực diện và không hề ngoại giao nói trên đã khiến Bắc Kinh bắt đầu có những phản ứng sau khi G7 ra tuyên bố chung hôm 13/6. Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh chỉ trích sự kiện này và cho rằng “thời kỳ một nhóm nhỏ quốc gia quyết định vận mệnh của thế giới đã qua lâu rồi”.

Cơ quan đại diện của Bắc Kinh cũng lên án tuyên bố chung của G7 đã can thiệp thô bạo vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

Giới phân tích dự đoán sẽ còn những phản ứng ở cấp cao hơn từ phía Trung Quốc đối với lập trường của G7. Tuy nhiên, điều này được cho là sẽ khó bảo đảm các vấn đề nhạy cảm không được tiếp tục nhắc tới.

Ngay sau hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ là hội nghị thượng đỉnh khối NATO tại Brussels và dự kiến các vấn đề liên quan đến Trung Quốc cũng sẽ phủ bóng sự kiện này.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 14/6 cho biết trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO rằng, khối quân sự này sẽ phải đối phó với “sự trỗi dậy về kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc”.

Ông cũng tiết lộ nội dung tuyên bố chung của hội nghị lần này sẽ củng cố chiến lược mới của NATO với Trung Quốc, mặc dù nhấn mạnh Trung Quốc không phải đối thủ hay kẻ thù của khối.

Lập trường rõ ràng của cả các nhà lãnh đạo G7 lẫn NATO sắp tới nhằm vào Bắc Kinh được đánh giá là cách tiếp cận mới mẻ và khác biệt của những nước này trước sự trỗi dậy trong nhiều lĩnh vực của Trung Quốc những năm vừa qua.

Các cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp và Đức đang có dấu hiệu muốn trở lại đối ngoại truyền thống, gắn kết đồng minh nhằm tái khẳng định vị thế toàn cầu của mình, qua đó định hình lại thế giới sau những xáo trộn do tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ