Donald Trump lần đầu dự hội nghị thượng đỉnh NATO: Không chỉ chuyện chi tiêu cho quốc phòng

GD&TĐ - Ngày 25/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại thủ đô Brussels (Bỉ). Giữa lúc Donald Trump đang có những cuộc đàm phán mà êkíp của ông miêu tả là “cứng rắn” với các thành viên khác trong liên minh NATO, thì bên ngoài, hàng ngàn người biểu tình chống Trump ở trung tâm thành phố Brussels.

Donald Trump lần đầu dự hội nghị thượng đỉnh NATO: Không chỉ chuyện chi tiêu cho quốc phòng

Chống khủng bố chỉ là cái cớ?

Một ngày trước đó, ông Trump tới thủ đô Brussels trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Trung Đông và châu Âu trên cương vị Tổng thống Mỹ. Nhà lãnh đạo này đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Bỉ Charles Michel, khẳng định các thành viên NATO sẽ cùng nhau hợp tác trong nhiều vấn đề, trong đó ưu tiên hàng đầu là cuộc chiến chống khủng bố.

Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, điều quan trọng là giành chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố và các thành viên NATO sẽ giành chiến thắng 100%. Dự kiến, Tổng thống Donald Trump cũng sẽ tổ chức cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự gồm 28 quốc gia thành viên này.

Trong 2 ngày 24 - 25/5, các nhà lãnh đạo NATO tập trung tại trụ sở mới của khối này ở Brussels và chủ đề chính dự kiến tập trung vào các biện pháp chống khủng bố. Tổng thống Donald Trump được cho là sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên NATO khác tham gia vào chiến dịch quân sự chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, điều được chú ý nhiều hơn là mối quan hệ giữa Nga - Mỹ, Nga với liên minh NATO sẽ ra sao dưới thời ông Trump. Chưa kể mới đây, ông Donald Trump đã bày tỏ sự không hài lòng vì nhiều quốc gia thành viên của NATO không đạt được mục tiêu đã thống nhất là chi 2% GDP cho quốc phòng.

Đằng sau thông điệp của ông Trump

Trước cuộc họp, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói với phóng viên: “Tôi nghĩ rằng quý vị có thể thấy là Tổng thống Mỹ sẽ rất cứng rắn với họ và nói rằng chúng tôi (Hoa Kỳ) đang làm rất nhiều cho an ninh của quý vị. Quý vị cần chắc chắn rằng mình cũng có đóng góp cho sự an toàn của chính mình”. “Đó sẽ là thông điệp chính của Tổng thống Mỹ với Nato” - Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.

Lịch trình của ông Trump ở Brussels sắp xếp nhiều cuộc họp và giảm những bài phát biểu trước công chúng cũng như kiểm soát báo chí đi theo tường thuật sự kiện. Buổi sáng 25/5, ông Trump gặp lãnh đạo EU, trong đó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Claude Juncker, người từng phàn nàn rằng Tổng thống Mỹ cần hai năm đầu trong nhiệm kỳ để nhận biết tình hình thế giới. Buổi chiều, ông đến trụ sở chính của NATO, tổ chức mà ông từng mô tả là “lỗi thời” và gặp các thành viên châu Âu mà ông chỉ trích vì không chi tiêu đủ mức để phòng thủ như đã nêu ở trên.

Nhìn sơ qua như vậy cũng thấy rằng rõ ràng chuyện thúc giục chi tiêu quốc phòng không phải là trọng tâm trong cuộc “ra mắt” NATO của ông chủ Nhà Trắng. Các phát biểu của ông Trump trước đó về khối NATO có thể rất tiêu cực, nhưng khi trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các nước thành viên như Anh, Đức, Ý… thì có vẻ lại khác hẳn, nếu không muốn dùng từ tích cực và thiện chí.

Sự khó đoán trước và luôn gây bất ngờ đã là thương hiệu của vị tỷ phú đến từ New York thủơ còn lăn lộn trên thương trường. Minh chứng rõ nhất là trong chuyến công du lần đầu tiên trên cương vị Tổng thống, ông đã gây ngạc nhiên khi chọn điểm đến là Trung Đông, vực dậy mối quan hệ với các nhà lãnh đạo Hồi giáo và Ả - rập, hàn gắn mối quan hệ với Israel, trấn an Palestine; trước khi có cuộc gặp đầy thú vị và được đánh giá rất cao với Giáo hoàng Francis tại Vatican.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.