Tái diễn nạn mạo danh ngân hàng để lừa đảo

GD&TĐ - Những ngày qua, nhiều người dân sống tại Hà Nội tỏ ra bức xúc khi liên tục nhận được cuộc gọi của những người tự xưng là cán bộ ngân hàng, cán bộ điều tra yêu cầu thanh toán những khoản vay đã bị đưa vào diện nợ xấu. Thậm chí, những người này còn đe dọa nếu không thực hiện theo hướng dẫn sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Tin nhắn chị Hảo nhận được của người đàn ông tự xưng là cán bộ ngân hàng
Tin nhắn chị Hảo nhận được của người đàn ông tự xưng là cán bộ ngân hàng

Bất ngờ với khoản nợ từ... trên trời

Chị Đặng Phương Hoa (trú tại Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) rất bức xúc cho biết, những ngày gần đây một số điện thoại có đầu số rất lạ gọi điện vào máy di động của chị liên tục. Khi bắt máy thì đầu dây bên kia có giọng đàn ông người miền Nam tự xưng là cán bộ công an đang thụ lý vụ án kinh tế có liên quan đến chị. Theo người đàn ông này, chị Hoa có vay một khoản tiền của Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn nhưng đã quá hạn thanh toán và bị đưa vào diện nợ xấu nên đã chuyển hồ sơ qua cơ quan công an.

Chị Hoa kể lại: “Người đàn ông này cho biết đã gửi giấy triệu tập của các cơ quan chức năng tới địa chỉ nhà riêng của tôi nhưng không có ai nhận nên đã gửi trả lại. Người này còn đề nghị tôi chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để làm việc”. Sau các cuộc điện thoại đó, chị Hoa hỏi người thân trong gia đình xem có ai vay khoản tiền trên không nhưng mọi người đều khẳng định không ai vay. “Sau khi tôi gọi điện trả lời người đàn ông trên là gia đình không có khoản vay nào thì điên thoại của tôi liên tục nhận các cuộc gọi từ nhiều số máy lạ những ngày sau đó để quấy rối. Những cuộc gọi đó khiến tôi rất bực mình”, chị Hoa bức xúc.

Tương tự chị Hoa, chị Nguyễn Hảo - nhân viên văn phòng tại Hà Nội nhận được tin nhắn qua trang Facebook cá nhân của một người tự xưng là Trần Quí - Chuyên viên Phòng Pháp lý - Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng. Tin nhắn có nội dung về khoản nợ thẻ tín dụng đã quá hạn 481 ngày với số tiền gần 60 triệu đồng. Người đàn ông này cho biết tài khoản thẻ tín dụng trên đã bị chuyển sang nợ xấu nhóm 5. Anh ta yêu cầu chị Hảo thanh toán toàn bộ khoản nợ trên trước ngày 10/6/2019 và liên hệ theo số điện thoại 0972.518.325. Trao đổi với Báo GD&TĐ, chị Hảo cho biết, đã kiểm tra lại toàn bộ thẻ và không hề có khoản nợ nào như thế.

Tình trạng này diễn ra khá phổ biến cách đây khoảng hơn nửa năm. Những người bị quấy rối, đe dọa sau đó đã được hướng dẫn điền thông tin cá nhân để phối hợp làm việc, thậm chí có nhiều người lo sợ gặp rắc rối đã chuyển khoản hàng chục triệu đồng vào những tài khoản cá nhân để đổi lấy... sự bình yên.

Lộ rõ hành vi lừa đảo

Mặc dù, không hề có khoản vay nào nhưng không ít người tỏ ra lo ngại về những rắc rối sẽ gặp phải khi liên quan đến pháp luật nên đã mắc bẫy và chuyển tiền cho các đối tượng quấy rối. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh và nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo thì có thể dễ dàng vạch trần được hành vi lừa đảo trên.

Chị Đặng Phương Hoa kể lại: “Sau khi được thông báo đã nhiều lần gửi giấy triệu tập đến địa chỉ nhà riêng nhưng không có ai nhận, tôi đề nghị người đàn ông trên gửi đến công an phường sở tại tôi đang sinh sống nhưng bị từ chối và yêu cầu tôi phải trực tiếp liên hệ để nhận giấy”. Theo chị Hoa, giấy triệu tập mà người đàn ông kia nói là không có thật vì khi bảo gửi qua công an phường sở tại thì nhận được câu trả lời rất vòng vo rồi sau đó không thấy gọi lại nữa.

Chị Hảo cũng có cách xử lý tương tự, sau khi tin nhắn có nội dung trên không được trả lời, có rất nhiều số điện thoại lạ gọi điện đến nhưng chị không nhấc máy nên sau đó không thấy gọi nữa. “Tôi thấy số lạ nên không muốn nghe máy, tôi rất bận và không muốn tiếp chuyện những người lạ. Nếu tôi có nợ tiền thì sẽ có người trực tiếp đến nhà để làm việc chứ không phải gọi điện quấy rối kiểu đó”, chị Hảo khẳng định.

Trước đó, công an các địa phương như Đà Nẵng, Cần Thơ cũng đã khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, đồng thời trình báo ngay vụ việc cho cơ quan công an.

Khó xử lý tình trạng trên

Bị quấy rối liên tục qua điện thoại nhưng những nạn nhân trên gần như không có hướng xử lý ngoài việc... mặc kệ. Trên thực tế, không ít người đã gọi điện đến tổng đài nhờ hỗ trợ nhưng đều vô ích với các hành vi quấy rối bằng điện thoại trên.

Theo tìm hiểu của phóng viên, rất có thể kẻ xấu đã sử dụng các đầu số điện thoại di dộng gọi theo hình thức gói và tự động. Một gói như vậy có thể có tới hàng trăm đầu số điện thoại và kết nối cuộc gọi bằng hình thức trực tuyến, nên cá nhân bị gọi điện khủng bố gần như không có cách nào để ngăn chặn. Hiện trên thị trường, sim rác của các nhà mạng vẫn được bày bán công khai và người sử dụng có thể mua dễ dàng mà không cần đăng ký thông tin thuê bao như quy định.

Liên quan đến sim rác, tại hội nghị tổng kết vào tháng 3/2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo Cục Viễn thông và các nhà mạng cần quyết liệt xử lý, phải giải quyết dứt điểm tình trạng này trong tháng 3/2019, kiên quyết không để tình trạng này kéo dài.

Khoản 1, Điều 40, Nghị định 83/2011/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, nêu rõ: Người nào lợi dụng hoạt động viễn thông để thực hiện một trong các hành vi đe dọa, quấy rối, xúc phạm, xuyên tạc, vu khống uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng. Tuy nhiên, mức xử phạt này quá nhẹ, không đủ răn đe nên đa phần những người bị quấy rối đều phải cố chịu đựng, không đổi số điện thoại và chờ đến khi các đối tượng trên... bỏ cuộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.