(GD&TĐ)-Bàn về 12 giải pháp nêu trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế do Chính phủ trình trước Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng việc phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Phát triển nguồn nhân lực có vai trò quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế (ảnh MH) |
Trong phiên thảo luận tại tổ chiều 24/5, nhiều ý kiến ở các đoàn Hà Nội, Lào Cai, Tây Ninh… cho rằng Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế về cơ bản đã xác định được những điểm yếu kém nhất của nền kinh tế để thay đổi theo một phương hướng đúng đắn. Tuy nhiên, nội dung của Đề án vẫn còn khái quát, mang tính chất là “khung” nên rất khó cho Quốc hội giám sát việc thực hiện trong thực tế.
Các đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bảo, Đinh Xuân Thảo, Bùi Thị An, Phạm Huy Hùng, Nguyễn Thị Ngọc Thanh của đoàn Hà Nội đánh giá, các nội dung của đề án chưa đạt yêu cầu, còn chung chung, thiếu cụ thể và chưa có phân tích sâu sắc thực trạng nên chưa thể đề ra các mục tiêu ngắn và dài hạn sát thực tế, hiệu quả.
Nhấn mạnh vai trò của việc phát triển nguồn nhân lực trong các giải pháp nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều đại biểu cho rằng phát triển nguồn nhân lực cả về chất lượng, số lượng, có năng lực văn hóa, đạo đức trong lao động là trách nhiệm trước hết của Nhà nước, các cơ sở đào tạo nghề và cả các doanh nghiệp.
Do đó, Đề án phải đưa việc đào tạo lao động vào chương trình đào tạo dài hạn chứ không phải từ nguồn đào tạo thường xuyên như hiện nay. Nhu cầu nguồn nhân lực ở các vùng kinh tế, ngành nghề là cơ sở để xác định khả năng đào tạo và nguồn nhân lực ở tầm vĩ mô… Trong đó, đầu tư chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp gắn với chiến lược phát triển các ngành
Các đại biểu Quốc hội tập trung vào thảo luận một số điểm như đào tạo nguồn nhân lực để hỗ trợ thực hiện Đề án, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, thực hiện tái cơ cấu đầu tư công…Đại biểu Giàng Seo Phử (đoàn Lào Cai) và đại biểu Hoàng Tuấn Anh (đoàn Tây Ninh) nêu một trong những điểm chưa cụ thể như tái cấu trúc đầu tư công thì cần làm rõ danh mục đầu tư công, địa bàn tập trung đầu tư công…
Thảo luận về việc đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị), khi tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì cần triển khai mạnh mẽ, chỉ giữ lại các doanh nghiệp nhà nước phục vụ công ích, còn lại nếu không cổ phần thì cũng phải sáp nhập lại.
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh không thể không có doanh nghiệp nhà nước. Nhưng doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung sản xuất, kinh doanh ở những lĩnh vực tư nhân không làm được, còn doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác đều phải cổ phần hóa.
Đồng thời “phải có cơ chế kiểm soát và chế tài xử phạt doanh nghiệp nhà nước vi phạm lĩnh vực sản xuất kinh doanh”, đại biểu Giàng Seo Phử bổ sung. Tuy nhiên, để góp phần tái cấu trúc hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nhắc lại bài toán định giá chính xác giá trị của doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường để tránh “được 10 đồng nhưng chỉ định giá có 1 đồng”.
Theo chương trình, sáng ngày mai (25/5), Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật giáo dục đại học; các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật giáo dục đại học.
Nguyễn Sơn