Tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học: Tạo đột phá về chất lượng

GD&TĐ - Với Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6, yêu cầu đổi mới, tinh giản ở khu vực ĐH theo hướng cơ cấu lại, tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phải có sự cạnh tranh sẽ là tâm điểm trong thời gian tới. Chuyển đổi cơ quan chủ quản, sáp nhập trường hoặc tự chủ ĐH đang là những cách thức để các trường ĐH, CĐ thực hiện tái cấu trúc ở khu vực ĐH.

Một sản phẩm của nhóm nghiên cứu - giảng dạy trong không gian trưng bày của Viện Công nghệ quốc tế Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng (Ảnh do ĐH Đà Nẵng cung cấp).
Một sản phẩm của nhóm nghiên cứu - giảng dạy trong không gian trưng bày của Viện Công nghệ quốc tế Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng (Ảnh do ĐH Đà Nẵng cung cấp).

Tái cấu trúc nội bộ

Với mục tiêu “đến năm 2019 sẽ hoàn thiện mô hình quản trị ĐH tiên tiến, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, hình thành một hệ thống quản lý, điều hành, tác nghiệp thống nhất, thông suốt từ ĐH Đà Nẵng đến các đơn vị thành viên để nâng cao hiệu quả quản lý”, ĐH Đà Nẵng đã thực hiện việc rà soát, đánh giá, sắp xếp lại các trung tâm theo khả năng, kết quả cung cấp dịch vụ, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ học sinh, sinh viên và khả năng tài chính; hoàn thiện cơ cấu tổ chức của ĐH vùng, các trường ĐH thành viên và các đơn vị trực thuộc.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho biết: “Cùng với việc tái cấu trúc nội bộ, ĐH Đà Nẵng đẩy mạnh việc tổ chức, sắp xếp lại các khoa, trường để tránh trùng lắp. Theo đó, đã thành lập Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật dựa trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các khoa Sư phạm kỹ thuật của Trường ĐH Bách khoa và Trường CĐ Công nghệ. ĐH Đà Nẵng cũng đã xây dựng đề án thành lập Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông trên cơ sở các khoa CNTT của Trường ĐH Bách khoa, ngành CNTT của Trường ĐH Sư phạm, Tin học của ĐH Kinh tế và Trường CĐ Công nghệ thông tin”.

ĐH Huế cũng sẽ tiến hành tái cấu trúc theo mô hình tinh gọn thành 3 nhóm công việc: Quản lý hành chính đơn thuần mang tính chất phục vụ phù hợp với mô hình kinh tế hiện nay và theo văn bản quy phạm pháp luật; các hoạt động chuyên môn đào tạo - khoa học công nghệ - bảo đảm chất lượng GDĐH; hệ thống điều hành - thanh tra và giám sát việc thực hiện và điều chỉnh tất cả các hoạt động theo hướng tự chủ có hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và quy định của pháp luật.

Trong năm 2018, ĐH Huế đã sáp nhập Văn phòng Công đoàn, Đoàn thanh niên vào Văn phòng Đảng ủy ĐH Huế, đổi tên thành Văn phòng Đảng - Đoàn thể ĐH Huế. Đề án cũng đưa ra phương án cấu trúc lại mô hình ĐH 2 cấp. Theo đó, những đơn vị hội đủ điều kiện để tự chủ vẫn giữ nguyên mô hình trường ĐH thành viên, tăng cường xây dựng các tổ chức hoạt động chuyên môn gắn với thị trường, nhất là KHCN với việc thành lập các doanh nghiệp KHCN và đăng ký kinh doanh để phát triển các sản phẩm theo hướng thương mại có đăng ký sở hữu trí tuệ. Đối với các đơn vị không có khả năng thực hiện tự chủ sẽ tiếp tục hợp nhất, sáp nhập và có thể trở thành đơn vị trực thuộc ĐH Huế.

Sắp xếp lại hệ thống

SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thực hành tại không gian sáng chế của ĐH Đà Nẵng.
SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thực hành tại không gian sáng chế của ĐH Đà Nẵng.  

Trường ĐH An Giang đã thực hiện chủ trương chuyển đổi từ trực thuộc UBND tỉnh An Giang thành một cơ sở GD ĐH thành viên của ĐHQG TPHCM. Năm 2016, Trường ĐH An Giang đứng trước thực tế nguồn thu chỉ đáp ứng 30% so với nhu cầu hoạt động; mức kinh phí trường 70 - 80 tỷ đồng/năm đã trở thành gánh nặng đối với ngân sách của tỉnh. Chưa kể là để tuyển đủ chỉ tiêu, ngoài con em của An Giang, trường còn tuyển sinh thí sinh ở các địa phương khác, đồng nghĩa với việc lấy ngân sách của tỉnh đào tạo nhân lực cho “bên ngoài”. Việc chuyển Trường ĐH An Giang về chung hệ thống với ĐHQG TPHCM được xem là giải pháp tốt để sử dụng kinh phí của Nhà nước phục vụ nhiệm vụ đào tạo chung cho xã hội, giúp nâng tầm và mở rộng quy mô của trường ngang bằng với các trường thành viên của ĐHQG.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho rằng, GD ĐH Việt Nam cần phải hình thành các ĐH lớn, đa lĩnh vực, đa ngành. “Đến nay, chúng ta có hơn 230 trường ĐH, nhưng phần lớn là các trường có quy mô nhỏ, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất thiếu thốn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Thực tế đó khiến hệ thống GD ĐH nước ta khó có thể cạnh tranh với các trường ĐH trong khu vực và thế giới. Nếu tiếp tục duy trì các trường ĐH nhỏ lẻ, đơn ngành, với số lượng các công trình nghiên cứu hạn chế và ảnh hưởng của nhà trường đến xã hội ở quy mô nhỏ, thì khó có thể tham gia vào các bảng xếp hạng ĐH thế giới”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, cần sắp xếp lại hệ thống GD ĐH cả nước, hình thành các ĐH lớn, đa ngành, đa lĩnh vực để ưu tiên tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH và hội nhập quốc tế. Đây là xu thế tất yếu để đảm bảo hệ thống GD ĐH Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Cùng góc nhìn này, TS Phạm Thị Ly - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - lại cho rằng, để có thể sắp xếp lại hệ thống GD ĐH theo hướng hợp lý và đa dạng hơn, cần có những chính sách khích lệ phù hợp cho tất cả các loại trường, để các trường tự lựa chọn sứ mạng của mình. Có thể kết hợp cách tiếp cận từ trên xuống với những cách khác từ dưới lên, nhằm làm giảm nhẹ việc hành chính hóa, và nhất là, để các trường gắn chặt với sứ mạng của từng trường và động lực tự thân của họ.

“Tái cấu trúc, vì vậy phải là cơ hội để các trường xác định lại hồ sơ năng lực của mình thay vì là một cuộc đua thành tích. Bởi vì trong thị trường lao động ngày nay, danh tiếng ảo của trường không thể thay thế được năng lực thật của người học, vốn là phản ảnh trực tiếp về chất lượng đào tạo của nhà trường” - TS Phạm Thị Ly nhấn mạnh. 

Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 nêu rõ nhiệm vụ đối với GD ĐH: Sáp nhâp, hợp nhất hoặc giải thể các trường ĐH, cơ sở GD-ĐT hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường ĐH. Sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý GD. Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường ĐH công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Các trường trong quân đội, công an chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng vũ trang. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ