Sáng 26/9, bác sĩ Cao Đình Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết: Ổ bệnh sốt xuất huyết bùng phát tại xã Diễn Ngọc với ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 6/9. Đến nay, số người mắc trên địa bàn xã đã lên đến con số 29 người.
Cũng theo ghi nhận mới nhất từ Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu, dịch đang có chiều hướng giảm. Ngày 24/9 chỉ có 1 ca phát hiện mới. Trong số 29 người mắc ở xã Diễn Ngọc, có 12 người đã khỏi bệnh, 14 người đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu và 3 người đang điều trị tại nhà.
Được biết, trong tháng 4, trên địa bàn xã Diễn Ngọc, chỉ số bọ gậy phát triển là 65% - cao hơn mức báo động dịch cao hơn mức báo động. Đầu tháng 5, Trung tâm y tế huyện Diễn Châu đã chọn xã Diễn Ngọc để tổ chức Tuần lễ ra quân dự phòng sốt xuất huyết trong người dân.
Tất cả các ban, ngành, đoàn thể, các hộ dân cùng thực hiện dọn vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng bọ gậy, lật úp các phế thải chứa nước, nhất là các chậu cảnh chứa nước, tuyên truyền bà con nhân dân nằm màn kể cả ban ngày. Tuy nhiên, ổ bệnh vẫn tái bùng phát.
Theo bác sĩ Cao Đình Minh: Diễn Ngọc là một ổ dịch cũ, lưu hành mầm bệnh. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, muỗi Aedes (muỗi vằn) phát triển, dịch lại bùng phát. Từ đầu năm 2018 tới nay, toàn huyện có 31 ca mắc sốt xuất huyết. Ngoài 29 ca mắc ở Diễn Ngọc thì có 2 ca ngoại lai (người dân ở Diễn Kỷ và Diễn Trung mang theo bệnh từ Vũng Tàu trở về).
Phun hóa chất, xử lý môi trường tại Diễn Châu, Nghệ An |
Nhằm ngăn chặn dịch sốt xuất huyết, huyện Diễn Châu đã phun 190 lít hóa chất. Dự kiến trong ngày hôm nay sẽ phun hết cho 2 xóm còn lại của xã Diễn Ngọc. Huyện cũng tăng cường công tác giám sát, xử lý môi trường.
Được biết, năm 2017, Diễn Châu là địa phương đầu tiên bùng phát dịch sốt xuất huyết của tỉnh. Trên địa bàn có tới 3 ổ dịch sốt xuất huyết (2 ổ dịch tại xã Diễn Ngọc và 1 ổ ở xã Diễn Thịnh) với 153 ca mắc.
Tới thời điểm này, toàn tỉnh mới chỉ Diễn Châu xuất hiện sốt xuất huyết. Tuy nhiên, thời tiết tại Nghệ An đang trong giai đoạn giao mùa, nắng nóng, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Số lượng người di chuyển lớn, nguy cơ đưa mầm bệnh về cao hơn.
“Sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Vậy nên, sốt xuất huyết chỉ có thể ngăn chặn dựa trên nguyên tắc “không có muỗi thì không có bệnh. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả là dựa vào sức mạnh cộng đồng diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy”, Bác sĩ Bùi Tiến Dũng - Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An cho biết.