Dù vì lý do gì thì tai biến y khoa là sự cố ngoài ý muốn với cả bác sĩ lẫn người bệnh. Do vậy, khi sự việc không may xảy ra, người bệnh rất cần lời giải thích rõ ràng, minh bạch để họ có thêm niềm tin, tiếp tục điều trị bệnh.
Bệnh viện lớn, nhỏ đều mắc
Lâu nay, phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội thông tin khá nhiều về việc mổ nhầm, cắt nhầm. Sự việc trên năm nào cũng có và mức độ khác nhau.
Có lẽ “nóng hổi” nhất là vụ mổ nhầm chân ở Bệnh viện Việt Đức. Là bệnh viện đầu ngành về ngoại khoa, để xảy ra sự việc trên khiến người bệnh và chính đội ngũ bác sĩ cũng ngỡ ngàng. Ngay sau khi vụ việc được phát hiện, bệnh viện đã tổ chức họp báo công bố sự việc. Theo bác sĩ Trần Bình Giang, Phó Giám đốc bệnh viện, đây là sự cố vô cùng hi hữu ở bệnh viện có bề dày 100 năm. Theo thông tin bệnh viện cung cấp, người mổ trực tiếp là bác sĩ giỏi chuyên môn, có nhiều năm cầm dao mổ cho dù không thuộc biên chế nhân sự hay hợp đồng của bệnh viện. Tường trình của bác sĩ mổ chính cho thấy, khi vào phòng mổ, kíp phụ mổ đã chuẩn bị sẵn cho bệnh nhân và phủ vải chỉ chừa chân mổ nên bác sĩ tiến hành thao tác phẫu thuật mà không kiểm tra bệnh án.
Cũng trong ngày 20/7, Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An có báo cáo chính thức về hình thức kỷ luật với kíp mổ nhầm tay bệnh nhân. Trước đó, bác sĩ Trần Văn Tuấn đã phẫu thuật lấy đinh ở tay phải cho bệnh nhân ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, bác sĩ lại rạch tay trái và không nhìn thấy đinh nên đã khâu lại và mổ tiếp tay phải để rút đinh.
Cùng là mổ nhầm nhưng mỗi bác sĩ lại có cách ứng xử với bệnh nhân khác nhau. Theo phản ánh của người nhà bệnh nhân ở Hà Tĩnh, bác sĩ Tuấn giải thích không rõ ràng và không đúng thực tế ca phẫu thuật, gây bức xúc cho người bệnh và người nhà. Còn bệnh nhân bị mổ nhầm chân ở Bệnh viện Việt Đức ngay khi biết sự việc đã nhận được lời xin lỗi của bác sĩ. Do vậy, bệnh nhân và người nhà đã thông cảm và chỉ mong bệnh viện điều trị tích cực để nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Công bằng và minh bạch
Tai biến y khoa là nỗi sợ với cả bác sĩ và người bệnh bởi nó xảy ra bất ngờ. Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, một nước có nền y học phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ thì tỷ lệ tử vong do tai biến y khoa xếp vào hàng thứ hai so với các nguyên nhân gây tử vong khác. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 67.000 bệnh nhân bị tai biến y khoa, 15.300 bệnh nhân bị thương tật vĩnh viễn hàng năm, con số tử vong do tai biến y khoa chiếm 5% con số tử vong của cả nước.
Theo các bác sĩ, có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai biến y khoa: Do sai sót của thầy thuốc, do cơ địa của người bệnh (như sốc phản vệ), do môi trường, điều kiện làm việc khó khăn gây áp lực cho người thầy thuốc và bệnh nhân. Từ 2 vụ mổ nhầm trên cho thấy sai sót hay đôi khi là sự chủ quan của thầy thuốc đã khiến người bệnh phải mổ đi mổ lại còn bác sĩ thì “treo dao”, hạ thi đua… Do vậy, bản thân mỗi cán bộ y tế phải luôn “biết mình biết ta”, thường xuyên trau dồi kiến thức, cọ xát thực tế.
GS.TS Nguyễn Anh Trí phân tích, bên cạnh yếu tố liên quan đến bác sĩ, bản thân các bệnh viện cũng cần có kinh nghiệm để giải quyết xung đột. Việc công khai sự việc cùng thái độ cầu thị của bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện, thể hiện trách nhiệm và sự dũng cảm của bệnh viện đầu ngành. Ai sai phải xử lý còn người bệnh sẽ được hỗ trợ tối đa trong điều trị, tài chính là việc làm cần thiết. Việc làm trên không chỉ giải tỏa tâm lý cho người bệnh, người nhà mà còn làm gương cho bệnh viện khác, cho những cán bộ y tế khác khi sai sót y khoa được công khai, minh bạch, từ đó bản thân mỗi người sẽ tự rút kinh nghiệm cho bản thân, giảm sai sót y khoa tương tự.