Tác hại của hút thuốc lá đối với hệ tiêu hóa

GD&TĐ - Theo tài liệu của Viện Sức khỏe – Mỹ: Hút thuốc lá, ngoài những ảnh hưởng dễ thấy và phổ biến, liên quan đến các bệnh về hô hấp, tăng nguy cơ mắc phải các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, hút thuốc cũng là tác nhân gây ra các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chứng ợ chua và trào ngược dạ dày

Hút thuốc làm tăng nguy cơ bị ợ chua và trào ngược dạ dày. Hút thuốc làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới, cơ giữa thực quản và dạ dày, giúp ngăn thức ăn từ dạ dày chảy ngược lại thực quản.

Dạ dày được bảo vệ một cách tự nhiên khỏi các axit mà nó tạo ra để chia nhỏ thức ăn. Tuy nhiên, thực quản không được bảo vệ khỏi các axit này. Khi cơ vòng thực quản dưới yếu đi, các chất trong dạ dày có thể trào ngược lại thực quản, gây ợ chua và có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản.

GERD là sự trào ngược dai dẳng xảy ra nhiều hơn 2 lần/tuần. GERD có thể gây ra các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng như các vết loét có xuất huyết trong thực quản, hẹp thực quản khiến thức ăn bị tắc nghẽn và thay đổi ở các tế bào thực quản có thể dẫn đến ung thư.

Loét dạ dày

Loét dạ dày là các vết loét ở niêm mạc bên trong dạ dày hoặc tá tràng, phần đầu tiên của ruột non. Hai nguyên nhân phổ biến nhất gây loét dạ dày là nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) và sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid như aspirin và ibuprofen trong thời gian dài.

Các nghiên cứu cho thấy hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm H. pylori, làm chậm lại việc hồi phục loét dạ dày và làm tăng khả năng tái phát loét dạ dày. Dạ dày và tá tràng có chứa axit, enzim và các chất khác giúp tiêu hóa thức ăn.

Tuy nhiên, những chất này cũng có thể gây hại đến niêm mạc của các cơ quan này. Hút thuốc không làm tăng sản xuất axit. Tuy nhiên, việc hút thuốc làm tăng sản xuất các chất khác có thể gây hại cho niêm mạc, như pepsin, một loại enzyme được tạo ra trong dạ dày để làm vỡ protein.

Hút thuốc cũng làm giảm các yếu tố bảo vệ hoặc làm lành vết thương, bao gồm: Máu tới nuôi niêm mạc; Sự tiết chất nhầy, chất lỏng trong suốt bảo vệ niêm mạc khỏi axit;

Sự sản sinh sodium bicarbonate - một chất muối làm trung hòa axit - bởi tuyến tụy; Tăng các chất gây hại cho niêm mạc và giảm các yếu tố bảo vệ hoặc làm lành niêm mạc có thể dẫn đến loét dạ dày.

Hút thuốc và những ảnh hưởng đến bệnh gan

Gan là cơ quan lớn nhất trong hệ tiêu hóa. Gan thực hiện nhiều chức năng, như sản sinh các protein máu quan trọng và mật, chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, cũng như lọc rượu và chất độc từ máu.

Nghiên cứu cho thấy rằng hút thuốc ảnh hưởng tới khả năng gan xử lý các loại thuốc, rượu và các chất độc khác và loại bỏ chúng khỏi cơ thể. Trong một số trường hợp, hút thuốc có thể ảnh hưởng đến liều thuốc cần thiết để điều trị bệnh.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu về ảnh hưởng của hút thuốc đến xơ gan mật tiên phát, NAFLD và các bệnh về gan khác.

Bệnh gan có thể phát triển thành xơ gan, tình trạng gan từ từ bị xấu đi và chức năng gan từ từ bị suy yếu do tổn thương mạn tính. Mô sẹo thay thế các mô gan khỏe mạnh, ngăn cản máu chảy qua gan và làm suy giảm chức năng của gan.

Hút thuốc và bệnh Crohn

Bệnh Crohn là bệnh viêm ruột gây kích ứng ở đường tiêu hoá. Bệnh thường gây đau và tiêu chảy, thường ảnh hưởng đến phần dưới của ruột non; tuy nhiên, nó có thể xảy ra bất cứ nơi nào trong đường tiêu hóa. Bệnh Crohn có thể dẫn đến các biến chứng như tắc ruột non và loét tại vị trí nối giữa khu vực bị ảnh hưởng và mô xung quanh.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng, hút thuốc có thể làm giảm khả năng tự bảo vệ của ruột, làm giảm lưu thông máu đến ruột, hoặc gây ra những thay đổi ở hệ miễn dịch dẫn đến viêm. Ở những người có những gen di truyền khiến họ dễ bị bệnh Crohn, việc hút thuốc có thể ảnh hưởng đến hoạt động của một số trong những gen này.

Polyp đại tràng

Những người hút thuốc có khả năng phát triển các polyp đại tràng. Polyp đại tràng là những tổn thương nhỏ trên bề mặt bên trong của đại tràng hoặc trực tràng. Một số polyp là lành tính hoặc không ung thư, trong khi một số polyp là ung thư hoặc có thể phát triển thành ung thư.

Trong số những người mắc chứng polyp đại tràng thì người hút thuốc thường có polyp lớn hơn, nhiều hơn và có nhiều khả năng tái phát hơn.

Viêm tụy

Hút thuốc làm tăng nguy cơ phát triển viêm tụy. Viêm tụy là viêm ở tuyến tụy. Tuyến tụy nằm sau dạ dày và gần tá tràng. Tụy tiết ra các enzyme tiêu hóa. Những enzyme này thường không hoạt động cho đến khi chúng đến ruột non. Khi tuyến tụy bị viêm, các enzyme tiêu hóa sẽ tấn công các mô của tuyến tụy.

Sỏi mật

Một số nghiên cứu cho thấy rằng hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi mật. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu không đồng nhất với nhau và cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh điều này.

Sỏi mật là các hạt nhỏ, cứng phát triển trong túi mật, cơ quan chứa mật được gan sản sinh ra. Sỏi mật có thể di chuyển vào các ống dẫn các enzyme tiêu hóa từ túi mật, gan và tụy đến tá tràng, gây viêm, nhiễm trùng, và đau bụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.