Kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2023)

Tác giả Quốc ca vẽ chân dung tác giả Quốc kỳ

GD&TĐ - Văn Cao là tác giả Quốc ca, thầy giáo Nguyễn Hữu Tiến là tác giả Quốc kỳ.

Bức tranh nhạc sĩ Văn Cao vẽ tác giả Quốc kỳ Nguyễn Hữu Tiến.
Bức tranh nhạc sĩ Văn Cao vẽ tác giả Quốc kỳ Nguyễn Hữu Tiến.

Dù chưa một lần gặp gỡ, nhưng thông qua lời kể của nhà văn Sơn Tùng - một bức họa về tác giả Quốc kỳ đã ra đời. Xung quanh câu chuyện này, không chỉ gợi lên huyền thoại liên tài, những người tài luôn kính trọng nhau, mà còn nêu cao tinh thần nhân văn cao cả của người chiến sĩ cách mạng.

Họa chân dung qua lời kể

Bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao (quê xã Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định) sáng tác vào năm 1944, được Bác Hồ giới thiệu để Quốc dân Đại hội quyết định làm Quốc ca từ Cách mạng tháng Tám 1945.

Trước đó khoảng 5 năm, trong vai trò là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ, phụ trách cơ quan ấn loát truyền đơn lời kêu gọi của Đảng và báo Tiến Lên, thầy giáo Nguyễn Hữu Tiến (quê Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam) đã thửa một lá cờ đỏ, đính ngôi sao vàng năm cánh chính giữa và lời giải thích: Hỡi những ai máu đỏ da vàng/ Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc/ Nền cờ thắm máu đào vì nước/ Sao vàng tươi, da của giống nòi.

Việc xác minh tác giả vẽ cờ Tổ quốc được nhà văn Sơn Tùng viết thành sách và từng được xuất bản. Từ bức ảnh gốc chụp được trong hồ sơ mật thám Pháp, nhà văn Sơn Tùng đã về Lũng Xuyên 16 lần để thu thập tư liệu về thầy giáo Nguyễn Hữu Tiến.

Sau đó, trong lần chuyện trò cùng nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Sơn Tùng đã kể cho bạn nghe về “thầy giáo Hoài” Nguyễn Hữu Tiến. Trong tác phẩm “Hoa râm bụt” - NXB Thanh niên 2010, nhà văn Sơn Tùng viết: …Văn Cao sáng tác Tiến quân ca vào tháng 10/1944. Lời ca có đoạn: “Đoàn quân Việt Minh đi chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước… Đoàn quân Việt Nam đi sao vàng phấp phới. Dắt giống nòi quê hương, qua nơi lầm than”… Bằng con mắt thường anh chưa nhìn thấy, nhưng tâm linh anh đã “thấu thị” được cờ đỏ sao vàng… Bây giờ tôi mới thuật lại đầy đủ với anh Văn Cao. Anh nghe xong lúc đó đã 11 giờ đêm. Anh dốc chén rượu cuối cùng, ôm lấy tôi:

Đúng là tác giả Quốc kỳ! Tưởng kiến kỳ nhân. Cảm ơn Sơn Tùng đã cho mình được gặp tác giả Quốc kỳ - Nguyễn Hữu Tiến! Hãy dẫn mình về quê ông, mình cần, rất cần được phát sáng trong trực cảm.

Anh chị Văn Cao cùng vợ chồng tôi về quê ông Nguyễn Hữu Tiến. Ngày trở về Hà Nội, anh Văn Cao ngồi trên xe, ghé vào tai tôi: Không tính ngày hôm nay, trong hai ngày nữa, vào lúc 9 giờ, anh sang tôi, đừng gõ cửa, vào thẳng phòng vẽ của tôi…

Đúng hẹn, tôi bước vào phòng. Một Nguyễn Hữu Tiến hiển hiện trên giá vẽ Văn Cao! Tôi reo lên: A… Đúng rồi!... Đúng ông Nguyễn Hữu Tiến tác giả Quốc kỳ rồi!

Anh Văn Cao làm một hơi cạn chén. Tôi đưa tấm ảnh ông Nguyễn Hữu Tiến lưu trữ của Sở Mật thám. Anh cầm tấm ảnh, mắt ngời sáng nhìn sang giá vẽ gật đầu, nói nhỏ nhẹ: Chúng ta cùng một tâm tưởng!

Không thể nào quên ngày Đảng bộ huyện Duy Tiên tổ chức lễ tưởng niệm người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Hữu Tiến. Bí thư Tỉnh ủy Nam Hà Phan Điền và các đồng chí chủ chốt của tỉnh, tất cả cán bộ huyện Duy Tiên, đại diện các xã trong toàn huyện, hơn hai trăm đảng viên, cán bộ xã Yên Bắc về dự.

Tấm chân dung Nguyễn Hữu Tiến, tác giả Quốc kỳ bằng sơn dầu của Văn Cao, tác giả Quốc ca đặt lên bàn thờ nghi ngút khói hương. Hội trường im phăng phắc. Những tiếng khóc nấc lẫn vào tiếng đọc điếu văn trầm hùng da diết. Cả hội trường òa khóc lúc đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mời cụ bà Nguyễn Hữu Tiến và người con gái gần năm chục tuổi lên nhận bằng Tổ quốc ghi công và tiền tử tuất!

Từ phía bàn thờ, cụ bà Nguyễn Hữu Tiến bước đến ôm choàng anh Văn Cao và tôi, nước mắt chan vào tiếng nói: “Nhờ có hai ông tôi được gặp lại ông nhà tôi đã ly biệt hơn bốn chục năm trời”.

Bức tranh phục chế treo tại nhà lưu niệm liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến.

Bức tranh phục chế treo tại nhà lưu niệm liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến.

Sao vàng năm cánh trước ngày khởi nghĩa

Vào tháng 7/2014, chúng tôi có chuyến về thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc để thắp hương tại mộ liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến. Tại đây, chúng tôi gặp được con gái của tác giả vẽ cờ Tổ quốc - bà Nguyễn Thị Xu và người anh em thúc bá với liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến là ông Nguyễn Xuân Tửu.

Ông Tửu đem ra một tập hồ sơ về vụ thực dân Pháp kết án tử hình tác giả vẽ Quốc kỳ. Trong đó có thông tri tối mật số 4685-S năm 1940 thông báo về tin tình báo của cảnh sát đặc nhiệm Sài Gòn về hoạt động của Nguyễn Thị Minh Khai và Trương Xuân Chinh (tức Nguyễn Hữu Tiến).

Ông Tửu kể rằng, năm 1930 Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Hà Nam được thành lập gồm 7 người. Sau hơn một năm hoạt động, do Nghiêm Thượng Biền phản bội, hầu hết các đồng chí trong Thượng vụ Xứ ủy Bắc Kỳ đã bị bắt. Nguyễn Hữu Tiến cũng sa lưới mật thám Pháp.

Trong nhà lao, Đờ-loóc là chánh thanh tra mật thám Nam Định đã tra tấn Nguyễn Hữu Tiến đến vỡ cả bánh chè đầu gối chân phải. Năm 1932, trước tòa Thượng thẩm phiên xử tỉnh Hà Nam. Chủ tọa phiên tòa là chánh án Mooc-sê, dự thẩm là Ve-rông và Vũ Ngọc Hoánh, biện lý là Duy-ranh-giê đã cùng nhau kết án Nguyễn Hữu Tiến khổ sai chung thân.

Từ nhà tù Sơn La, Nguyễn Hữu Tiến và 150 người tù khác như các đồng chí: Lê Duẩn, Trần Quang Tặng, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Duy Huân, Phạm Văn Tô... bị thực dân Pháp liệt vào hàng nguy hiểm nên bị đày ra Côn Đảo. Tháng 4/1935, Đảng bộ Côn Đảo lại quyết định chọn cử bảy đồng chí vượt biển trở về đất liền hoạt động: Tôn Đức Thắng, Trần Quang Tặng, Tạ Uyên, Phạm Hồng Thám, Nguyễn Văn Cọng, Minh Thẹo và Nguyễn Hữu Tiến.

Sau khi vượt ngục thành công về đất liền, với tên gọi Hai Bắc Kỳ, Nguyễn Hữu Tiến được Xứ ủy Nam Kỳ giao phụ trách liên tỉnh Đảng bộ Châu Đốc, Long Xuyên, Hà Tiên, Rạch Giá. Trước ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940) Nguyễn Hữu Tiến đã thửa một lá cờ đỏ, đính ngôi sao vàng năm cánh chính giữa.

Câu chuyện cứ thế trôi đi, không ai ở Lũng Xuyên biết tiếp những việc xảy ra sau đó thế nào. Mãi sau này, nhà văn Sơn Tùng kể rằng, công việc in ấn gần xong thì lính kín ập đến. Không ai trong cơ quan chạy thoát. Người bị bắn, người bị ném xuống biển, người bị tù đày. Ông Hai Bắc Kỳ (Nguyễn Hữu Tiến) bị bắn cùng một lúc với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, ngày 28/8/1941 tại Hóc Môn.

Nhà lưu niệm liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến xây dựng năm 1993 trên nền ngôi nhà cũ.
Nhà lưu niệm liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến xây dựng năm 1993 trên nền ngôi nhà cũ.

Bức tranh gốc, giờ ở đâu?

Hi sinh năm 1941 nhưng mãi đến năm 2012 hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến mới được đưa về Lũng Xuyên. Trong câu chuyện, bà Xu bảo: Bố mẹ tôi kết hôn với nhau và sinh được hai người con. Người anh của tôi là Nguyễn Hữu Bộ mất năm 16 tuổi. Từ lúc đó, tôi và mẹ (cụ Nguyễn Thị Hào) vò võ nuôi nhau. Mẹ tôi mong mỏi nhất là tìm được mộ của bố tôi. Bà cụ đã không thể chờ đợi được giây phút ấy, mẹ tôi mất năm 1995 rồi.

Theo bà Nguyễn Thị Xu, trong năm 1941 chính quyền thực dân Pháp tịch thu ngôi nhà tại Lũng Xuyên mà gia đình đang ở để bán đấu giá. Đến năm 1993, chính quyền tỉnh Hà Nam quyết định xây dựng nhà lưu niệm người vẽ cờ Tổ quốc trên nền đất của ngôi nhà cũ.

Cho đến nay, một trong những kỷ vật quý giá nhất trong ngôi nhà lưu niệm ấy chính là bức tranh do Văn Cao - tác giả Quốc ca vẽ Nguyễn Hữu Tiến. Để mường tượng về khuôn mặt người cha, người ông trong gia đình, bà Xu và con cháu đều dựa vào bức tranh do Văn Cao vẽ.

Tuy nhiên, có một sự thật là bức tranh treo tại nhà lưu niệm lại không phải là bức vẽ của Văn Cao, mà đó là một bức tranh được vẽ lại từ bức tranh gốc. Bức tranh vẽ lại này cũng được in khắc trên bia mộ liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến ở nghĩa trang xã Yên Bắc.

Vậy bức tranh gốc do Văn Cao vẽ đang ở đâu? Câu hỏi này, bà Xu, ông Tửu và các con cháu của bà Xu cũng không rõ. Chỉ biết rằng, có họa sĩ ở tỉnh Hà Nam đưa bức tranh đi phục chế, nhưng sau đó chuyển về bức tranh như hiện tại.

Một bức tranh quý, có tính lịch sử, tính liên tài giữa tác giả Quốc ca và tác giả Quốc kỳ không rõ tung tích. Thế nhưng, có sự nể nang hay rắc rối nào đó mà không ai muốn nói lại chuyện này và đành chấp nhận một bức vẽ không còn nguyên bản như đang treo ở nhà lưu niệm?

Năm 1987, khi đình Lũng Xuyên được Nhà nước thưởng kỉ niệm chương, nhạc sĩ Văn Cao và nhà văn Sơn Tùng cùng trong đoàn đã về Lũng Xuyên trao bức tranh chân dung Người vẽ cờ Tổ quốc Nguyễn Hữu Tiến. Nhạc sĩ Văn Cao nói với mọi người: “Tôi không biết chân dung ông Nguyễn Hữu Tiến như thế nào. Tôi cũng chẳng có cơ hội để gặp gỡ hay trò chuyện gì cả. Nhưng nhờ vào lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới giữa làn đạn của kẻ thù mà tôi viết được Quốc ca, thế là tôi tưởng tượng ra chân dung ông Tiến để vẽ và tặng lại cho gia đình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.