Tác giả “Đợi anh về” và ký ức chiến tranh

Tác giả “Đợi anh về” và ký ức chiến tranh

Phóng viên chiến trường

Đối với Konstantin Simonov, chiến tranh bắt đầu từ năm 1939, trên sông Khalkhin-Gol. Ông từng là nhà báo đứng trong hàng ngũ những người bảo vệ hai thành phố Odessa và Stalingrad, tham gia trận đánh Kursk, đã nhìn thấy những lò thiêu man rợ của trại tập trung Auschwitz và ngọn cờ đỏ bay phấp phới trên nóc tòa nhà nghị viện Đức. Là nhà văn với những trang bút ký được bạn đọc chờ đợi như bánh mỳ, ông không thích chủ nghĩa lạc quan tếu, giả tạo, K. Simonov nhớ lại năm 1955:

“Trong những năm đầu của chiến tranh, tôi đã có mặt ở nhiều trận tuyến ác liệt khác nhau, và cần phải nói rằng tôi hiếm khi gặp những người hy vọng tình hình sắp sửa được cải thiện và chẳng mấy chốc nữa chúng ta sẽ có mặt ở Berlin”. 

Còn đây là một ghi chép từ mặt trận đề năm 42: “Viết về chiến tranh rất khó, viết về chiến tranh như về một việc đại lễ, long trọng và nhẹ nhàng thì không nên. Đó sẽ là giả dối. Chỉ viết về những ngày đêm gian khổ, về sự bẩn thỉu, lầy lội của chiến hào và sự lạnh lẽo của băng tuyết, chỉ viết về cái chết và máu, mặc dù đó là sự thật, nhưng vẫn chưa đủ, vì như vậy nghĩa là anh quên đi tâm hồn, trái tim của những con người đang chiến đấu trong cuộc chiến tranh này”.

“Simonov giống như một cỗ máy liên hợp” - nhà thơ Ilya Selvinsky nói, ngụ ý sức lực không biết mệt mỏi của người phóng viên quân đội báo “Sao đỏ”. Khi thì ông ở Krym, khi thì tham gia chiến dịch trên tàu ngầm, khi thì ở miền Bắc cùng với nhóm lính trinh sát nhảy dù xuống hậu phương của kẻ thù… Sau này, trở thành nhà văn nổi tiếng, đầu bạc, được hỏi điều gì nặng nề nhất đối với ông trong chiến tranh, Simonov trả lời: “Chia tay với mọi người trong tình huống hiểm nghèo đối với họ”.

Bản thông điệp bằng thơ

Tác giả “Đợi anh về” và ký ức chiến tranh ảnh 1

Nhà thơ Konstantin Simonov.

Thể loại yêu thích của phóng viên quân đội là bút ký. Những bài báo của Konstantin Simonov là những phác thảo mang đậm chất ký. Nó sinh động, giàu hình ảnh, dễ hiểu, sắc sảo, súc tích và được xây dựng xung quanh những số phận con người. Konstantin Simonov biết trò chuyện với người đối thoại – từ vị chỉ huy tới người lính bình thường, để biết anh ta cảm thấy gì trước giờ xung trận. “Một vài phút trôi qua…

 Ý nghĩ về sự hiểm nguy đang rình rập phía trước xâm chiếm Tsyganov. Anh hình dung họ xung phong như thế nào và tên lính Đức sẽ bắn họ ra sao, đặc biệt từ phía những ngôi nhà nằm trên chỗ sườn dốc… Và một cảm giác sợ hãi chạy dọc sống lưng anh. 

Lần đầu tiên trong ngày, anh cảm thấy ớn lạnh, hết sức ớn lạnh. Anh nắm chặt tay, ưỡn thẳng ngực, siết thắt lưng thêm một nấc… Anh bắt mình nghĩ về tương lai, nhưng không về tương lai gần, mà về tương lai xa, về đường biên giới mà họ sẽ tiến tới, và về những gì ở đấy, bên kia biên giới. Và tất nhiên, về những gì mà mỗi người lính đang chiến đấu năm thứ ba suy nghĩ, - về kết thúc cuộc chiến”.

Sau này các nhà phê bình bắt đầu viết về phương pháp sáng tác đặc biệt của Simonov, về chất văn chương thuần túy, về sự phân tích tâm lý tinh tế được bắt rễ từ những truyền thống văn xuôi cổ điển Nga, về sự tìm tòi những xúc cảm của con người, những “tấm gương” phản chiếu “bộ mặt tàn nhẫn của chiến tranh” một cách hết sức bi thảm.

Một trong những đóng góp văn học được ghi nhận của Konstantin Simonov là sự phá vỡ khuôn sáo, khi cảm hứng anh hùng nhường chỗ cho sự mô tả chân thật những gì đã diễn ra. Các cuốn tiểu thuyết “Bạn chiến đấu”, “Những người sống và những người chết”, “Người ta sinh ra không phải là lính”, các truyện vừa “Khói tổ quốc”, chùm truyện “Rút từ những ghi chép của Lopatin” – là những tác phẩm của Simonov buộc chúng ta nhìn nhận hiện tượng “con người và chiến tranh” theo cách khác.

Tuy nhiên, Simonov trước hết là một nhà thơ. Bài thơ nổi tiếng “Đợi anh về” của ông lần đầu tiên được đăng trên báo “Sự thật” vào tháng Giêng năm 1942, vang lên như một lời cầu nguyện, một câu thần chú, với lời đề tặng ngắn ngủi: “Cho VS”. 

Chính bản thông điệp bằng thơ gửi người yêu ấy đã mang về cho người phóng viên quân đội quả cảm tiếng tăm lừng lẫy. Nó được chuyền tay nhau chép, được gửi từ mặt trận về hậu phương. Những người thương binh đọc đi đọc lại trong các quân y viện như một lời nguyền đầy ám ảnh: “Đợi anh, anh lại về/Trông chết cười ngạo nghễ”. Câu thơ làm vợi đi nỗi đau, thắp lên niềm hy vọng, xua tan sự sợ hãi của con người trong chiến tranh.

Sau chiến tranh

Chiến tranh kết thúc, Simonov mới 30 tuổi. Chờ đợi ông phía trước là các chức vụ Tổng Biên tập tạp chí “Thế giới mới”, sau đó “Báo Văn học”. Ông còn có chuyến đi Paris gặp Bunin và Zaytsev, về ngôi biệt thự ở Peredelkino. Simonov còn đối diện vụ ly dị nặng nề, những lời đàm tiếu, thị phi, cuộc hôn nhân mới, các giải thưởng văn học danh giá…

Nói về K. Simonov, không thể không nhắc tới những đóng góp to lớn của ông trên cương vị thư ký Ban Chấp hành Hội Nhà văn Liên Xô. Ông đã có nhiều việc làm tốt đẹp như: Đưa Bulgakov và Zoshchenko trở lại văn học; công bố cuốn tiểu thuyết của Hemingway Chuông nguyện hồn ai; xuất bản di cảo của Osip Mandelshtam trong tủ sách lớn “Thư viện nhà thơ”; tái bản tác phẩm của Ilf và Petrov; triển lãm tranh của các họa sỹ Pirosmani, Petrov-Vodkin, Tatlin, Khlebnikova do ông khởi xướng…

Diễn viên nổi tiếng kiêm đạo diễn Liên Xô Mikhail Ulyanov nói về K. Simonov: “Bao nhiêu lần được cùng ông tham dự các cuộc họp khác nhau là bấy nhiêu lần tôi thấy ông luôn thuyết phục ai đó, thỏa thuận với ai đó, giải thích cho ai đó”. Nhiều người kể lại, Simonov rất vui mừng khi biết mình được bầu vào Ban Thanh tra Trung ương của Đảng Cộng sản Liên Xô. 

Chức vụ cao mở ra nhiều cơ hội, ông nói: “Hiện nay, tôi có thể giúp đỡ được nhiều người”. Và với tinh thần hăng hái, ông bắt tay vào công việc như in sách, bảo vệ các nhà văn trẻ, bênh vực quyền lợi của những người bị đối xử bất công.

Gặt hái được nhiều thành công lớn như vậy, nhưng Simonov không bao giờ quên chiến tranh. “Nếu nói về hoạt động xã hội mà tôi đang tham gia, tôi quyết định viết và nói sự thật về chiến tranh để vai trò của người lính được các thế hệ sau biết đến với tất cả sự bi thảm và lòng dũng cảm đích thực của mình”.

Theo Báo Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.