Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - cho biết: Sự ra đi của nhạc sĩ Hoàng Vân là mất mát to lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Sáng nay, ông hoàn toàn bất ngờ khi nghe gia đình nhạc sĩ thông báo tin buồn với Hội. Hiện gia đình chưa thông báo ngày tổ chức tang lễ.
"Không chỉ tôi mà tất cả các đồng nghiệp, nghệ sĩ, khán giả yêu âm nhạc đều tiếc thương trước sự ra đi của nhạc sĩ Hoàng Vân - cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Những sáng tác của ông để lại sẽ trường tồn mãi mãi trong lòng khán giả”.
Con trai nhạc sĩ Hoàng Vân - nhạc trưởng Lê Phi Phi - đang ở Cộng hòa Macedonia chia sẻ thông tin bố mất khi ông đang ngủ. Nhạc sĩ ra đi thanh thản. Lê Phi Phi sẽ về đến Hà Nội vào ngày 6/2 để chịu tang bố.
Trước đó, năm 2015, nhạc sĩ Hoàng Vân bệnh nặng. Ông bị viêm phổi cộng với một số bệnh tuổi già. Ông từng điều trị gần một tháng tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô (Hà Nội) nhưng vẫn không thuyên giảm.
Nhạc sĩ ở trong tình trạng lúc mê lúc tỉnh và phải thở bằng máy, nhưng vẫn nhận biết con cháu, người thân. Lúc đó, con trai ông là nhạc trưởng Lê Phi Phi ở bên cạnh chăm sóc bố. Sau khi ốm nặng, ông bình phục trở lại và khỏe mạnh cho đến lúc mất.
Nhạc sĩ Hoàng Vân và gia đình
Nhạc sĩ Hoàng Vân sinh năm 1930 tại Hà Nội. Sau năm 1954, ông được gửi đi tu nghiệp tại Nhạc viện Bắc Kinh, Trung Quốc. Khi về nước, ông chỉ huy dàn nhạc đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật, đồng thời tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội cho đến năm 1989.
Hoàng Vân bắt đầu sáng tác từ năm 1951 với những ca khúc được phổ biến rộng rãi tại vùng Tây Bắc, Việt Bắc như Chiến thắng Hòa Bình, Tin chiến thắng, Chiến thắng Tây Bắc... Năm 1954, ông sáng tác bài hát nổi tiếng Hò kéo pháo.
Từ đây sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu nở rộ với nhiều ca khúc, hợp xướng, hòa tấu. Ngoài ra ông còn viết nhạc cho phim, kịch nói, chèo, cải lương. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000.
Ngoài Hò kéo pháo, Hoàng Vân còn là tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng như: Tôi là người thợ lò, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi, Bài ca giao thông vận tải, Bài ca xây dựng, Hát về cây lúa hôm nay, Tình ca Tây Nguyên.
Đặc biệt, bài hát Bài ca người giáo viên nhân dân sáng tác vào những năm 1970 được ngành giáo dục coi như “ngành ca”. Đây là bài hát hay nhất, nổi tiếng nhất về đề tài sư phạm.
Vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Ngành giáo dục kêu gọi giới nhạc sĩ sáng tác bài hát về đề tài sư phạm, ca ngơi các thầy cô giáo, và nhạc sĩ Hoàng Vân đã hưởng ứng.
Ông muốn ca ngợi, tôn vinh những cô giáo trẻ, mới ra trường, mới bước lên bục giảng, còn ít tuổi nhưng sớm phải gánh vác trọng trách “trồng người” - một công việc đòi hỏi có tâm, trí rất cao và một tình yêu lý tưởng, cuộc sống cháy bỏng.
Nhiều năm trôi qua, những giai điệu của bài hát này đã luôn nằm tâm trí của những thầy cô giáo đang gắn bó với sự nghiệp trồng người: “Tâm hồn em tươi mát xanh như bóng lá bàng. Trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ”.
Nghe bài hát, ta như được chắp cánh ước mơ cùng cô giáo “như chim bay về khắp miền, em lên đường, tung bay ra nhiều thế hệ cháu Bác Hồ”.