Tác dụng thực của saffron

GD&TĐ - Trào lưu uống nhụy hoa nghệ tây (saffron) làm đẹp đang được chị em rầm rộ hưởng ứng. Thực hư tác dụng của loại nhụy hoa này là như thế nào?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đua nhau uống nhụy hoa nghệ tây

Thời gian gần đây, saffron - “vàng đỏ” Trung Đông trở thành cơn sốt trên thị trường Việt Nam. Nó được quảng cáo có công dụng “thần kì” cho da, chăm sóc sức khỏe. Mặc dù, giá của loại thảo dược này lên tới trên 700 triệu đồng/kg nhưng nhiều người không tiếc tiền để đầu tư.

Theo một số quảng cáo thì sản phẩm này có giá thành cao là do việc thu hái, bảo quản rất cầu kỳ, mất nhiều công sức. Bên cạnh đó, nhụy hoa nghệ tây còn có một số công dụng như hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, bệnh trầm cảm, mất trí nhớ, ngăn ngừa bệnh tim mạch, làm đẹp da…

Cùng với nhu cầu tăng cao, giá thành đắt, thị trường nhụy hoa nghệ tây cũng vì thế mà lẫn lộn thật giả. Mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3 đã thu giữ hơn 50 kg nhụy hoa nghệ tây. Những sản phẩm này được vận chuyển vào nước ta những không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cơ quan chức năng tạm giữ để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Là người nhiều năm nghiên cứu về hóa dược, PGS.TS Phạm Gia Điền - Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, nhụy hoa nghệ tây có giá rất đắt, được trồng nhiều ở Iran rồi xuất khẩu sang các nước. Trước đây, Trung Quốc có thu mua chủ yếu phục vụ giới nhà giàu. Giá thành của nhụy hoa nghệ tây đắt vì 1 bông hoa chỉ lấy được 4 sợi nhụy, 1 củ chỉ mọc được 3 bông hoa và phải thu hoạch thủ công bằng tay buổi sáng sớm rồi phơi, sấy.

Để thu được 1kg nhụy hoa phải mất đến 150.000 bông hoa. Rồi công vận chuyển, thuế phí… nên giá của nhụy hoa rất cao. Nhụy hoa nghệ tây có nhiều tác dụng cho sức khỏe, làm đẹp như trắng da, tốt cho tim mạch, tiêu hóa.

Thành phần chính của nhụy hoa nghệ tây là các hoạt chất carotenoid như zeaxanthin, nicopen, caroteen… Theo các nghiên cứu thì có đến 150 hoạt chất nhóm carotenoid trong nhụy hoa nghệ tây.

“Tôi cũng pha thử nhụy hoa nghệ tây uống thì thấy nước khi pha ra có màu vàng hoặc đỏ, mùi thơm dễ chịu, khá mát. Màu vàng và đỏ ấy chính là carotenoid có tác dụng chống oxy hóa mạnh, giữ gìn sức khỏe, sắc đẹp.

Tuy nhiên, ở Việt Nam thì trong các tài liệu y dược chưa có tên loài nhụy hoa này. Các nghiên cứu đều của nước ngoài. Hơn nữa thị trường nhụy hoa nghệ tây lại khá mập mờ thật giả, nên người tiêu dùng cần thận trọng khi sử dụng”, PGS.TS Phạm Gia Điền cho biết.

Tác dụng thực của saffron ảnh 1

Ngộ độc nếu dùng quá nhiều

Theo BS Kiều Xuân Dũng - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Y học cổ truyền – Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam – nhụy hoa nghệ tây vốn là một loại gia vị được sử dụng trong một số món ăn của các nước Trung Đông.

Có thể nó rất quý trong ẩm thực của các quốc gia này nhưng chưa chắc đã phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam. Nhụy hoa nghệ tây được đưa vào thị trường nước ta dưới dạng thực phẩm chức năng.

BS Dũng phân tích, bất cứ loại thực phẩm nào chúng ta ăn vào cũng có thể coi là thực phẩm chức năng. Ví dụ gạo trong Đông y cũng được coi là một loại thuốc. Cho nên quảng cáo nhụy hoa nghệ tây là thực phẩm chức năng chỉ là nhằm tăng giá bán mà thôi.

Bất cứ sản phẩm nào được quảng cáo chữa “bách bệnh” có nghĩa là sẽ chẳng chữa được căn bệnh cụ thể nào cả. Nhụy hoa nghệ tây được coi là thực phẩm chức năng, vì vậy không thể chữa được bệnh.

Nó chỉ có thể hỗ trợ trong một số trường hợp nào đó, giống như những thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày. Hiện cũng chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học nào về công dụng của nhụy hoa nghệ tây trong điều trị bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường.

PGS Phạm Gia Điền cho biết, hoa nghệ tây được Tổ chức Y tế Thế giới chia ra làm 4 loại. Người ta sử dụng quang phổ hấp thụ để xác định thành phần crocin trong nhụy hoa nghệ tây. Khả năng hấp thụ càng cao thì thành phần crocin càng cao. Loại có thành phần crocin cao nhất là loại mà đầu nhụy hoa có màu đỏ (gọi là super negin).

Chất lượng hoa nhụy tây được đánh giá trên màu sắc, chiết xuất (crocin), về mùi vị (ticrocin) và về hương thơm (safranal). Theo đó, nhụy hoa chất lượng tốt là phải đều nhau về độ dài, đầu nhụy hoa có màu đỏ đều. Trong các tài liệu ghi chép của thế giới thì nhiều vị hoàng đế cổ xưa sử dụng loại nhụy hoa này để làm đẹp và tăng cường sức khỏe.

Sử dụng hoa nghệ tây phải theo đúng chỉ dần, mỗi ngày không dùng quá 0,1 miligram (khoảng 15 sợi). Dùng quá nhiều sẽ gây ngộ độc. Các thành phần có trong nhụy hoa như Safranal và Proto crocin nếu được hấp thụ quá liều lượng cho phép vào cơ thể gây nên ngộ độc với 2 dạng: Triệu chứng nhẹ thì chóng mặt, buồn nôn, đi đại tiện có lẫn máu.

Sử dụng quá liều lượng 5g mỗi ngày sẽ gây nên bệnh vàng da, vàng mắt do gan, thận và các cơ quan nội tạng bị tổn thương. Triệu chứng nặng ngay lập tức sẽ xuất hiện. Đầu tiên là tê buốt bàn tay, bàn chân, ngứa râm ran như bị dị ứng khắp cơ thể. Sau đó có thể là xuất huyết ở mí mắt, chảy máu mũi, môi rất nguy hiểm.

Hiện, chưa có công bố cụ thể nào về công dụng của nhụy hoa nghệ tây, nhất là công dụng điều trị bệnh ung thư, tim mạch… vì thế, người tiêu dùng cần thận trọng khi mua và sử dụng các sản phẩm này, không nên quá kỳ vọng vào tác dụng điều trị bệnh. Ngoài ra, do có giá bán quá đắt và đang trở thành cơn sốt trên thị trường hiện nay nên nhụy hoa nghệ tây rất dễ bị làm giả bằng cách dùng hoá chất để nhuộm màu hoặc tạo mùi hương. GS.TS TRẦN ĐÁNG (Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ