Tác dụng phụ thường gặp khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em

GD&TĐ - Sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, trẻ có thể gặp các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn. Ngoài ra, triệu chứng hiếm gặp là sốc phản vệ ngay sau khi tiêm, chứng huyết khối và viêm cơ tim.

Hầu hết trường hợp trẻ gặp tác dụng phụ sau tiêm đều nhẹ và hồi phục.
Hầu hết trường hợp trẻ gặp tác dụng phụ sau tiêm đều nhẹ và hồi phục.

Chưa rõ tác dụng phụ lâu dài

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, vắc-xin ngừa Covid-19 được nghiên cứu và sản xuất trong một thời gian rất ngắn. Theo chuyên gia này, trẻ em là nhóm ít chịu ảnh hưởng từ đại dịch hơn.

Đồng thời, tỷ lệ tử vong ở nhóm này thấp hơn. Trong khi đó, tác dụng chính của vắc-xin phòng Covid-19 là giảm nhẹ bệnh và ngăn tử vong. Do đó, thời gian đầu, vắc-xin nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách cho người lớn.

“Khi lượng vắc-xin đã đạt tới một mức độ nhất định cho những nhóm có nguy cơ cao, dễ tử vong hơn thì mới bắt đầu nghiên cứu sản xuất cho trẻ em. Việc thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em cũng gặp khó khăn hơn khi cần có sự chấp nhận của cha mẹ các em”, PGS Nga chia sẻ.

Bên cạnh đó, quá trình xem xét chấp thuận cho phép sử dụng của các cơ quan có thẩm quyền cũng kỹ càng và kéo dài hơn vì phải cân nhắc những khía cạnh ảnh hưởng dài hạn tới sức khỏe trẻ em.

Đặc biệt là các ảnh hưởng lên hệ gen, di truyền và sinh sản. Song, theo PGS Nga, các thử nghiệm lâm sàng bắt đầu từ mùa hè năm 2020. Do đó, vẫn chưa rõ vắc-xin có mang lại tác dụng phụ lâu dài hay không. Tuy nhiên, PGS Nga dẫn chứng, các chuyên gia cho rằng, vắc-xin hiếm khi gây ảnh hưởng lâu dài lên sức khỏe.

“Trẻ có thể gặp phải các phản ứng phụ sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 như: Đau, mẩn đỏ, sưng tấy tại nơi tiêm”, PGS Nga cảnh báo.

Ngoài ra, trẻ có thể gặp các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn. Theo chuyên gia này, triệu chứng hiếm gặp là sốc phản vệ ngay sau khi tiêm, chứng huyết khối và viêm cơ tim. Trong khi đó, viêm cơ tim và màng ngoài tim ở trẻ em có xu hướng tăng cao hơn so với người lớn. Tình trạng này đang gây ra sự quan ngại tại một số nước Bắc Âu.

“Các phụ huynh nên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho mọi thành viên khác trong gia đình, thực hiện nghiêm biện pháp 5K, phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong phòng chống dịch. Khi các em có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc mệt mỏi, cần đưa trẻ đi khám bệnh và thông báo kết quả xét nghiệm Covid-19 cho nhà trường để có những biện pháp phòng chống dịch kịp thời”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim

Hiện, Bộ Y tế chưa quyết định chọn vắc-xin nào để tiêm cho trẻ em. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết sẽ sử dụng những vắc-xin Covid-19 đã được nghiên cứu kỹ lưỡng để tiêm chủng an toàn cho trẻ. Theo Bộ Y tế, các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur sẽ xây dựng tài liệu, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương khi triển khai tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Nhóm trẻ lớn (16 - 17 tuổi) tiêm trước và sau đó mở rộng tiêm đến nhóm nhỏ tuổi hơn. Khi triển khai tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi, cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm); các gia đình cần được hướng dẫn theo dõi phản ứng không mong muốn sau tiêm...

Chia sẻ về tác dụng phụ khi trẻ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, Giáo sư Trần Tịnh Hiền - Giám đốc chuyên môn Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, một số ca được báo cáo có tác dụng phụ sau tiêm vắc-xin mRNA ngừa Covid-19 (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna), đặc biệt là ở trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên nam giới. Phản ứng này thường gặp sau mũi thứ hai và trong một vài ngày sau tiêm chủng.

“Hầu hết các bệnh nhân viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim được chăm sóc đều đáp ứng tốt, sau đó được nghỉ ngơi và đã nhanh chóng hồi phục. Bệnh nhân thường có thể trở lại hoạt động thường ngày sau khi các triệu chứng được cải thiện. Những người đã được chẩn đoán viêm cơ tim nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa tim mạch, nếu muốn tập thể dục hoặc chơi thể thao trở lại”, chuyên gia dẫn chứng.

GS Trần Tịnh Hiền cho biết, viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim đều có các triệu chứng: Đau ngực, hụt hơi, cảm giác nhịp tim nhanh, không đều hoặc đập thình thịch... Để đánh giá vắc-xin mRNA trên trẻ vị thành niên và thanh niên, Ủy ban Tư vấn về Thực hành Chủng ngừa (ACIP), thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đã xem xét các lợi ích và nguy cơ của vắc-xin.

Kết quả cho thấy, với trên 1 triệu liều được tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, có 5.700 trường hợp không bị nhiễm Covid-19. Ngoài ra, vắc-xin giúp 215 trẻ khỏi nhập viện, 71 trường hợp không bị nặng và 2 trẻ tránh tử vong. Về nguy cơ, có 56 - 69 trẻ có thể bị viêm cơ tim. Song, khoảng 70% trường hợp bị nhẹ.

“Lợi ích đã vượt xa nguy cơ. Đa số những trường hợp viêm cơ tim đều nhẹ và tự hồi phục. Đó là chưa tính các hệ luỵ như nhiễm virus thì phải ở nhà, lây cho ông bà, cha mẹ là người có nguy cơ cao hơn, chi phí điều trị....”, GS Trần Tịnh Hiền nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ