Việc tác động tích cực trở lại quá trình dạy học một cách nhanh chóng chính là một mục tiêu quan trọng mà kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã thực hiện được.
Đã có rất nhiều lời khen dành cho những đề thi mang đầy hơi thở của cuộc sống và nóng rẫy nội dung thời sự trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Cả học sinh và giáo viên đều hứng thú với những câu hỏi mở, câu hỏi yêu cầu sử dụng kiến thức tổng hợp cũng như hiểu biết xã hội để giải quyết các vấn đề trong học tập và trong thực tế.
Nội dung bảo vệ chủ quyền, biển đảo ở đề thi Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử đã cho gần 1 triệu thí sinh cơ hội được bày tỏ tình cảm yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân. Nhiều học sinh thú thực rằng: Với những đề thi này, việc mang tài liệu vào phòng thi là vô nghĩa.
Đây cũng chính là điều các giáo viên tâm đắc. Bởi hơn ai hết, các thầy cô hiểu rằng, những đề thi như thế này tác động mạnh mẽ và trực tiếp như thế nào đến việc thay đổi cách học của trò, cách dạy của thầy.
Thầy giáo Trần Chánh Đáng - Tổ trưởng tổ Vật lý - Công nghệ Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) thể hiện sự đồng tình cao với cách ra đề thi tốt nghiệp năm nay, trong đó có môn Vật lý.
Nguyên nhân bởi đề thi buộc học sinh phải tư duy sáng tạo và không học thuộc lòng. Đó là cách tác động trực tiếp nhất, nhanh nhất đến cách học của trò, từ đó nâng cao chất lượng dạy học. Người thầy cũng phải đổi mới, cố gắng, không thể “dậm chân tại chỗ”.
Đồng tình với quan điểm này, thầy Lê Đình Diệp - giáo viên Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) khẳng định: Việc tác động tích cực trở lại quá trình dạy học một cách nhanh chóng chính là một mục tiêu quan trọng mà kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã thực hiện được.
Với cách ra đề như vậy, hơn lúc nào hết, người thầy phải thấm nhuần nhiệm vụ của mình không phải đọc lại sách giáo khoa mà là giúp học sinh tìm ra chân lý kiến thức trong sách bằng những định hướng sáng tạo. Phương pháp của người thầy là dạy học sinh cách nắm bắt vấn đề, cách tiếp cận kiến thức.
Bên cạnh đó, bản thân người thầy cũng không thể xa rời kiến thức thực tế mà ngược lại, coi đó như nguồn tri thức quan trọng luôn phải cập nhật, hâm nóng trong mỗi bài giảng. Việc vận dụng kiến thức từ bài học trên lớp ra thực tế cuộc sống cũng trở thành mục tiêu thường nhật.
Là những người nhận thấy tác động rõ ràng nhất của kỳ thi, nhiều giáo viên cũng bày tỏ băn khoăn khi một số ý kiến cho rằng, không nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT khi tỷ lệ đỗ luôn quá cao.
Họ đặt lại câu hỏi: Kỳ thi đã thực sự tác động tích cực trở lại quá trình dạy học, giúp người thầy hơn lúc nào hết thấy mình cần phải thay đổi cách dạy, học trò cũng sẽ từ kỳ thi mà ý thức mình phải thay đổi cách học - Điều đó chẳng nhẽ là chưa đủ?