Tác động 2 chiều giữa thành phố và cây xanh

GD&TĐ - Ai cũng biết cư dân sống trong các thành phố được hưởng lợi đáng kể từ việc trồng cây xanh trên vỉa hè và trong công viên.

Thành phố và cây xanh có mối quan hệ tương tác với nhau.
Thành phố và cây xanh có mối quan hệ tương tác với nhau.

Tuy nhiên, cuộc sống thành phố cũng có thể thay đổi cây cối. Một nghiên cứu mới cho thấy có sự tương tác 2 chiều khi nói tới cây xanh và môi trường đô thị.

Tác động 2 chiều

Một nghiên cứu mới ủng hộ ý tưởng cây xanh trong đô thị tốt cho con người (cải thiện tinh thần và thậm chí ngăn ngừa tử vong sớm) và khí hậu, nhưng nó cũng cho thấy mối quan hệ không đơn giản như vậy.

Không chỉ cây cối ảnh hưởng tới thành phố mà thành phố cũng ảnh hưởng trở lại cây cối. Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Lin Meng tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ) cho biết, khi trồng cây ở các thành phố, chúng ta nên xem xét mùa phát triển của chúng và môi trường đô thị bị ảnh hưởng như thế nào.

Có 2 bài báo đã nêu lên mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau giữa cây xanh và môi trường đô thị. Ở bài báo đầu tiên đăng trên tạp chí Nature Communications, lần đầu tiên các dữ liệu vệ tinh có độ phân giải cao được dùng để phân tích tác dụng làm mát của cây xanh đô thị so với không gian không có cây xanh.

Tác giả chính của nghiên cứu trên là ông Jonas Schwaab tại Viện Kỹ thuật liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich). Ông cho biết, điều quan trọng là nghiên cứu đã so sánh sự khác biệt nhiệt độ giữa các khu vực được bao phủ bởi cây lớn, không gian xanh đô thị không có cây lớn (như công viên) và kết cấu đô thị không có cây xanh như đường sá và các tòa nhà. Họ đã phân tích 293 thành phố trên khắp châu Âu.

Bài báo thứ 2, được xuất bản trên tạp chí Khoa học, nghiên cứu ảnh hưởng của các thành phố đối với sự thay đổi màu sắc của lá vào mua thu cũng như sự “gia tăng màu xanh” của lá cây trong mùa xuân. Bài báo này có sử dụng dữ liệu thu thập từ 85 khu vực nông thôn và thành thị tại các thành phố lớn nhất của Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 2001 - 2014.

Nghiên cứu ở bài báo này cho thấy cây cối chịu 2 tác động đáng ngạc nhiên từ cuộc sống ở thành phố. Do nhiệt độ cao hơn, sự tăng màu xanh vào mùa xuân ở thành phố diễn ra sớm hơn 6 ngày so với ở nông thôn.

Đèn nhân tạo ở các thành phố cũng kéo dài mùa phát triển của cây đô thị “bằng cách làm cho cây xanh vào mùa xuân sớm hơn và việc chuyển màu lá của mùa thu xảy ra muộn hơn so với ở nông thôn”.

Theo Tiến sĩ Meng, nhiệt độ vùng đô thị ấm hơn làm cho quá trình xuất hiện màu xanh của cây vào mùa xuân xảy ra sớm hơn tại các thành phố nhưng nó cũng làm cho quá trình này ít nhạy cảm hơn trước sự thay đổi nhiệt độ.

Sự thay đổi màu sắc của lá một phần là do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Đó là khi nhiệt đô cao hơn từ 1 - 3 độ C ở các khu vực đô thị do thiếu cây che phủ tự nhiên. Ngoài ra, còn do một số yếu tố khác.

Phát hiện trên có ý nghĩa đối với sức sống của cây cối ở đô thị và sức khỏe của con người sống gần chúng. Bà Meng cho rằng, những thay đổi trong mùa sinh trưởng cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian và mức độ nghiêm trọng của mùa phấn hoa, điều này có thể làm tăng nguy cơ dị ứng phấn hoa của con người. Nhiệt độ tăng lên do khủng hoảng khí hậu cũng sẽ làm cho những tác động này trở nên rõ rệt hơn.

Nhiệt độ của thành phố khiến màu xanh của cây xuất hiện sớm hơn.

Nhiệt độ của thành phố khiến màu xanh của cây xuất hiện sớm hơn.

Cây xanh thay đổi thành phố như thế nào?

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra các khu vực ở thành phố có cây cối lớn bao phủ có nhiệt độ bề mặt thấp hơn nhiều so với các khu vực xung quanh. Sự khác biệt này là từ 8 - 12 độ C ở trung tâm châu Âu và từ 0 - 4 độ C ở miền Nam châu Âu. Đây là phát hiện có thể giúp làm mát các thành phố đang ấm lên, giúp chúng vượt qua khủng hoảng khí hậu.

Theo ông Schwaab, kết quả nghiên cứu cho thấy, cây to luôn tạo ra nhiệt độ thấp hơn. Bên cạnh đó, không gian xanh không có cây lớn thường có cùng nhiệt độ với khu vực không có cây cối và hầu như không tác dụng làm mát, đặc biệt ở các vùng nóng hơn và khô hơn ở châu Âu.

Các thành phố, thậm chí những thành phố được bao phủ bởi cây to, cuối cùng sẽ không duy trì được sự mát mẻ cho con người trong cuộc khủng hoảng khí hậu vì 2 lý do.

Thứ nhất là vì không gian hạn chế, các nhà quy hoạch thành phố chỉ có thể trồng một lượng cây xanh nhất định trên bấy nhiêu vỉa hè.

Thứ 2 là hiệu quả làm mát của cây lớn có thể giảm ở những vùng khí hậu nóng hơn và khô hơn. Đây là một cảnh báo quan trọng vì biến đổi khí hậu khiến hạn hán xảy ra thường xuyên hơn.

“Theo quan điểm của tôi, tăng số lượng cây xanh là quan trọng, nhưng nó không phải là giải pháp cho biến đổi khí hậu” - ông Schwabb nói và cho biết chúng ta không nên nghĩ rằng có thể ngăn chặn được điều tồi tệ nhất bằng cách trồng một số cây trong các thành phố.

Tuy nhiên, ông Schwaab cho rằng nghiên cứu của ông còn giới hạn và cần thêm dữ liệu về tác động của cây và không gian xanh với nhiệt độ không khí và sự thoải mái của con người.

2 bài báo trên ra đời vào thời điểm then chốt của cuộc khủng hoảng khí hậu, khi cả các nhà khoa học và chính trị gia đều nhận ra sự cần thiết của cây xanh như một “bể chứa carbon” thiết yếu để lưu trữ và ngăn chặn carbon thải vào khí quyển.

Cây xanh có thể làm mát thành phố.

Cây xanh có thể làm mát thành phố.

Các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Khí hậu COP26 gần đây đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 trong Hiệp ước khí hậu Glasgow.

Chúng ta đã biết không gian xanh có thể làm giảm nhiệt độ ở các khu vực đô thị nhưng nghiên cứu mới của Nature Communications cho thấy cây cối lớn đặc biệt giúp chúng ta mát mẻ hơn khi khủng hoảng khí hậu nóng lên theo đúng nghĩa đen.

2 bài báo trên cũng gợi ý một điều mới cần xem xét. Đó là cây cối không chỉ quan trọng đối với các thành phố về khả năng hấp thụ carbon mà các tòa nhà và ô tô thải ra, chúng còn rất quan trọng vì mối quan hệ cộng sinh của chúng với các thành phố và người sống trong đó.

Khi các nhà quy hoạch đô thị thiết kế thành phố và không gian xanh, họ cần xem xét cách cây cối định hình cuộc sống đô thị và tác động qua lại của thành phố đối với những loại cây cần thiết cho sự sống trên Trái đất.

Theo Inverse/Newscientist

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ