SV Lạc Hồng đạt Giải trình bày ấn tượng tại Triển lãm dự án đổi mới eProjects

GD&TĐ - Nhóm sinh viên (SV) Trường ĐH Lạc Hồng vừa đạt Giải trình bày ấn tượng nhất tại Triển lãm dự án đổi mới thuộc chương trình Dự án Kỹ thuật (eProjects).

7 đội SV đến từ các trường đại học trên khắp Việt Nam đã tham gia sự kiện.
7 đội SV đến từ các trường đại học trên khắp Việt Nam đã tham gia sự kiện.

Ngày 14/5, tại TPHCM, 7 đội SV đến từ các trường đại học trên khắp Việt Nam đã tham gia sự kiện Triển lãm dự án đổi mới thuộc chương trình Dự án Kỹ thuật (eProjects) lần thứ năm.

Đây là sự kiện triển lãm tổng kết thành quả của các đội tuyển SV sau nhiều tháng học tập sáng tạo dưới sự hướng dẫn và cố vấn tận tâm của các giảng viên và cố vấn doanh nghiệp, đồng thời cũng là sự kiện để các em trưng bày giới thiệu các nguyên mẫu sáng tạo được phát triển trong quá trình hợp tác làm việc nhóm và nghiên cứu thị trường.

Được hỗ trợ bởi các cố vấn đến từ các tập đoàn kỹ thuật nổi tiếng như Dow Vietnam, Rockwell Automation và First Solar, sinh viên được trao quyền để biến các ý tưởng sáng tạo của mình thành các giải pháp thực tế cho những thách thức mà thế giới hiện đại đang phải đối mặt, đơn cử như việc áp dụng trí tuệ nhân tạo và máy móc vào sản xuất, kiểm soát lượng khí thải CO2 trong giao thông vận tải, xử lý nước, áp dụng robot hỗ trợ, và các sáng kiến ​​năng lượng xanh.

Tại Triển lãm các dự án đổi mới eProjects, SV trình bày các mô hình nguyên mẫu của mình thông qua các áp phích dự án nêu rõ ý tưởng dự án, tầm nhìn và cấu trúc sản phẩm mẫu trước ban giám khảo.

Nhóm SV chia sẻ về dự án của mình.

Nhóm SV chia sẻ về dự án của mình.

Sau hai vòng thi trình bày áp phích và thuyết trình dự án, nhóm SV đến từ Trường đại học Lạc Hồng đã đạt Giải Trình bày ấn tượng nhất với Dự án bóc tách và xử lý tế bào quang điện trong tấm pin năng lượng mặt trời.

Theo nhóm dự án, năng lượng mặt trời rất dồi dào và sẵn có, khiến nó trở thành nguồn thay thế đầy hứa hẹn cho nhiên liệu xăng dầu thông thường. Tế bào quang điện thường được tìm thấy trong các tấm pin mặt trời, chuyển đổi trực tiếp thành điện năng tạo ra hiệu ứng quang điện.

Tuy nhiên, các hoá chất bám vào tấm pin năng lượng mặt trời mang đến sự độc hại tới người dân. Vì thế cần phải loại bỏ phần tế bào này chủ động để xử lý phù hợp, tránh gây ô nhiễm môi trường khó xử lý nếu để nguyên như hiện nay.

Dự án đã đề xuất giải pháp là một hệ thống hỗ trợ việc bóc tách và loại bỏ lớp phủ gây độc hại trên các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi đã được nghiền thành bột.

Cũng tại chung kết Triển lãm các dự án đổi mới eProjects nhóm SV đến từ Trường đại học Phenikaa đạt Giải Thiết kế và trình bày áp phích và Giải Làm việc nhóm hiệu quả nhất. Giải pháp hiệu quả nhất thuộc về nhóm SV đến từ Trường đại học Bách Khoa Đà Nẵng.

Theo ban tổ chức, trong chương trình, những SV tham dự sẽ học các kỹ năng kỹ thuật và các kỹ năng mềm cần thiết để trở thành một kỹ sư chuyên nghiệp. Các kỹ năng kỹ thuật (kỹ năng cứng) là thiết kế, xây dựng, và thử các nguyên mẫu, còn các kỹ năng mềm là các kỹ năng như làm việc nhóm, quản lý dự án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ