SV bỏ phiếu ở đâu khi có tên ở cả 2 điểm bầu cử?

SV bỏ phiếu ở đâu khi có tên ở cả 2 điểm bầu cử?

(GD&TĐ)-Nhiều sinh viên băn khoăn chưa biết mình sẽ bầu cử ở đâu vì mình có tên ở cả 2 điểm bầu cử: tại trường ĐH mình đang học tập và tại nơi có hộ khẩu thường trú.

 SV trong KTX trường ĐH Giao thông vận tải đang xem tiểu sử các ƯCV. Ảnh, gdtd.vn
SV trong KTX trường ĐH Giao thông vận tải đang xem tiểu sử các ƯCV. Ảnh, gdtd.vn

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội quy định: “Mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách ở một nơi mình thường trú hoặc tạm trú” (Điều 22), theo khoản 12 Điều 1 Luật số 63/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân “Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội”.

Quy định trên nhằm tránh trường hợp một cử tri có thể đi bỏ phiếu ở nhiều nơi, qua đó đảm bảo sự bình đẳng trong bầu cử cũng như trong việc thực hiện quyền công dân của mỗi cử tri. Như vậy, về nguyên tắc, công dân chỉ được bầu cử tại một điểm bầu cử đã đăng ký là nơi thường trú hoặc tạm trú của công dân.

Trường hợp cử tri có trong danh sách bỏ phiếu 2 nơi thì cử tri phải thông báo và trả lại 1 thẻ cử tri cho tổ bầu cử nơi mình không bỏ phiếu.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 1020/2011/UBTVQH12 ngày 14/2/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số điểm về việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016: "Sinh viên, học sinh, học viên có sổ tạm trú ở các trường chuyên nghiệp, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp và quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi học tập, công tác hoặc nơi đóng quân để tham gia bầu cử đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp huyện".

Theo đó, sinh viên, học sinh, học viên có sổ tạm trú tại các trường đại học, trường cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp có quyền đăng ký vào danh sách cử tri và tham gia bầu cử tại nơi học tập của mình mà không bắt buộc phải đăng ký và tham gia bầu cử tại quê (nơi đăng ký thường trú).

Tuy nhiên, trên thực tế cũng có những sinh viên, học sinh, học viên không có sổ tạm trú tại trường, trong trường hợp này, nếu họ có đăng ký tạm trú tại địa phương đang theo học thì vẫn có quyền đăng ký vào danh sách cử tri và được bầu cử tại địa phương đó.

Trường hợp không có sổ tạm trú tại trường hoặc không đăng ký tạm trú tại địa phương đang theo học thì họ bắt buộc phải đăng ký và tham gia bầu cử tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

Ông Pha cũng cho biết, để đảm bảo các sinh viên thực hiện quyền công dân về bầu cử theo đúng quy định, hầu hết các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đều yêu cầu sinh viên xuất trình cho nhà trường thẻ cử tri đóng dấu đã bỏ phiếu sau khi bầu cử.
 

Lập Phương (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...