Đang nấu cơm trong bếp, chị Nụ thấy đứa con 4 tuổi gọi “mẹ ơi” từ trong phòng ngủ rồi không thấy nói gì. Chị hỏi với vào mấy câu: “Mẹ đây, con gọi gì mẹ đấy?” nhưng thằng bé không trả lời. Cứ nghĩ con mải chơi nên chị Nụ tiếp tục nấu nồi canh.
Bình thường thì thằng bé chơi đồ chơi trong phòng ngủ hay phát ra những tiếng kêu lanh canh từ các hộp đồ chơi hoặc bật trò chơi điện tử kêu ầm ĩ, nhưng bỗng nhiên thấy con im lặng, chị vội vào ngó xem con đang chơi gì thì chị chỉ kịp hét lên một tiếng rồi lao vào phòng.
Cảnh tượng mà chị nhìn thấy khiến chị kinh hoàng. Thằng bé đang bị “treo cổ” trên dây kéo rèm cửa sổ, hai chân giãy giụa đạp vào khoảng không bên dưới.
Chị vội chạy tới đỡ con xuống, miệng gào tên con không ngớt. Hàng xóm thấy chị la hét liền chạy sang thì thấy thằng bé mặt tái nhợt đang nằm trên cái bàn học còn chị Nụ thì ra sức hô hấp cho con. Mọi người tá hỏa gọi xe cấp cứu. May mắn cho chị Nụ là gần một phút sau bé đã có thể thở được và khóc gọi mẹ. Chị ôm chầm lấy con, khóc nức nở.
Cài rèm cửa sổ nhà chị được thiết kế có dây kéo bằng sợi rất chắc chắn. Tuần trước dây kéo bị hỏng nên tạo thành một vòng tròn cuốn lên, treo lơ lửng giữa cửa sổ. Chị cũng định gọi thợ đến sửa nhưng cứ bận rồi quên đi.
Không ngờ lúc con chị chơi một mình đã chèo lên bàn học, rồi leo lên khung sắt chắn cửa sổ để nghịch cái dây kéo ấy. Cu cậu chui đầu vào và trượt chân khiến cả thân mình bị treo lơ lửng, cái dây móc ngang cổ giống như người bị treo cổ khiến cậu suýt mất mạng.
Tối hôm ấy hai vợ chồng chị đã xảy ra trận cãi vã nhỏ vì anh trách chị không trông con cẩn thận, chị thì trách anh không chịu sửa đồ vật hỏng trong nhà nên mới xảy ra sự cố.
Anh chị lại càng lo lắng hơn khi trong nhà còn có nhiều thứ có thể gây hiểm họa mà không lường trước được như bếp ga, ổ điện, cầu thang, ti vi treo trên cao… Ngay chuyện cái dây kéo rèm cũng khó mà tưởng tượng được con chị lại đùa nghịch với nó.
Mấy đêm liền, chị Nụ toàn nằm mơ thấy con mình bị treo ở cửa sổ mà hoảng hốt, mê sảng. Có lẽ đó là bài học mà chị không thể nào quên được cho việc phòng hiểm họa đến với con.
Chị đặt ra kế hoạch phải dạy con các kỹ năng phòng tránh tai nạn từ những vật dụng trong gia đình, còn anh thì cảnh báo chị “thần hồn nát thần tính” vừa thôi, dạy dỗ vừa đủ kẻo con thấy cái gì cũng sợ lại hóa ra thành kẻ “nhát chết”.