Sau cuộc chiến giành quyền nuôi con, anh đã có được điều anh muốn.
Tôi phát hiện mình có thai ngay sau khi chúng tôi bắt đầu hẹn hò. Khi quyết định sống cùng nhau, tôi đã nói chuyện với anh. Tôi hoàn toàn cởi mở về mong muốn của mình rằng sau này chúng tôi sẽ sinh thêm một đứa nữa. Tôi mong muốn điều này một phần là vì anh nhiều hơn tôi 14 tuổi.
Thời điểm đó, anh không chỉ nhiệt tình đồng ý, mà còn nói đùa rằng anh sẽ không ngại có thêm 10 đứa con nữa.
Nhưng không ngờ, chỉ sau 4 năm, anh quyết định không muốn có thêm con nữa vì nghĩ mình đã quá già. Nhiều lần tôi cố gắng thuyết phục anh thay đổi suy nghĩ. Khi có thêm con, tôi sẽ là người chăm sóc chính cho cả con riêng và con chung. Tôi sẵn sàng đảm nhiệm phần lớn công việc, bất kể đêm khuya hay sáng sớm. Thay tã hay trông con, tôi tự làm được hết.
Vì bất đồng quan điểm sinh con mà chúng tôi trở nên căng thẳng. Cuộc chiến không có hồi kết đẩy chúng tôi đến bờ vực ly hôn. Tôi biết, ngoài tình yêu, chúng tôi còn có nhiều lý do khác để kết hôn, nhưng trong tâm trí tôi, những lý do đó sẽ không bao giờ tồn tại nếu không có thỏa thuận về việc sinh thêm con.
Tôi đã nói với anh rằng nếu anh thực sự quyết định không sinh thêm con nữa, tôi nghĩ sẽ có lợi nhất cho cả hai nếu tôi ra đi, bởi vì tôi biết mình không thể tha thứ cho anh. Anh không chấp nhận được điều đó, thậm chí còn nói rất gay gắt: “Nếu anh ở vị trí của em, anh sẽ vượt qua được chuyện này thôi. Suy nghĩ của em hết sức ấu trĩ”.
Tôi không hiểu tại sao anh lại kiên quyết giữ mối quan hệ với tôi trong khi tìm cách để không có thêm con. Tôi không thể chấp nhận quyết định của anh. Thách thức lớn nhất ở đây là bản thân tôi không thể quyết định được mọi việc. Nhưng, hôn nhân đâu phải là lý do để người ta dành cả đời để cãi vã, đổ lỗi cho nhau. Tôi mắc kẹt trong những suy nghĩ.
Quá mệt mỏi, tôi quyết định mua vé tàu về quê. Trên tàu, tôi đọc một cuốn sách. Ngay khi mở những trang đầu tiên, nước mắt tôi đã lăn dài trên gò má. Tôi bàng hoàng nhận ra, lâu nay mình coi chồng là đối thủ hơn là đối tác.
Cuốn sách dạy tôi rằng, thay vì cố gắng khiến đối phương đồng ý với quan điểm của mình, chúng tôi nên làm việc cùng nhau để hiểu bản thân và hiểu nhau hơn. Chỉ khi đó, tôi mới có thể đưa ra quyết định chu đáo về con đường phía trước.
Tôi từng yêu anh và nghĩ ra đủ lý do để được kết hôn với anh. Nhưng không ngờ, chính tôi lại là người muốn chấm dứt chỉ vì bất đồng quan điểm với anh về việc sinh con. Có lẽ tôi đã kết thúc mối quan hệ trước khi nhận ra điều đó, nhưng sẽ không có gì đảm bảo rằng sau khi ly hôn, tôi sẽ tìm được một người hết mực yêu chiều mình. Và cũng chẳng có gì đảm bảo rằng tôi sẽ gặp được một người cũng muốn có 3 đứa con.
Tôi cảm thấy có lỗi khi nhận ra anh từng cố gắng cho tôi biết cảm giác của anh, nhưng tôi đã từ chối bằng những câu nói khiến anh tổn thương: “Anh đừng lo, anh không phải làm gì cả, em sẽ là người chăm sóc tụi trẻ...”. Có lẽ anh đã đau khổ và bế tắc lắm vì nghĩ rằng mình quá già để làm bố trẻ con.
Nhưng, ngoài chuyện tuổi tác, rất có thể anh còn đang lo lắng nhiều chuyện khác nữa. Có thể anh đang cảm thấy bị mắc kẹt về tài chính. Khi có thêm con, anh sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn, trong khi sức anh có hạn. Hoặc có thể anh lo ngại rằng sau này sẽ có ít (hoặc không có) thời gian để đi du lịch, theo đuổi sở thích, gặp gỡ bạn bè, đọc sách hoặc ngủ thật thoải mái vào những ngày cuối tuần. Những nhu cầu đó đều quan trọng trong giai đoạn này của cuộc đời anh.
Rất có thể, anh còn lo lắng rằng mình sẽ không có đủ năng lượng để trở thành người cha như anh muốn. Và sau cùng, có khả năng anh tin rằng việc có một đứa con khác nữa với tôi sẽ khiến con riêng của anh cảm thấy bị bỏ rơi... Tất cả những nỗi sợ ấy đã xuất hiện trong suy nghĩ của anh, nhưng chẳng thể tìm được sự đồng cảm và thấu hiểu nơi tôi.
Khi đọc cuốn sách, tôi cảm thấy xấu hổ. Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra mình phải chịu trách nhiệm cho những cuộc tranh luận gay gắt với anh. Tôi khóc suốt vài ngày sau đó và không ngừng nghĩ về anh. Nhưng may mắn là, trong tận cùng nỗi đau, tôi đã thấy một tia hy vọng.