Thách thức phía trước

GD&TĐ - Chúng ta bước vào năm 2021 với hành trang của một năm 2020 được đánh giá là thành công nhất nhiệm kỳ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Mặc dù trên thế giới, dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng Việt Nam đã cơ bản khống chế được. “Chỉ Việt Nam mới có thành công lớn như vậy”, nhận xét của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio có lẽ cũng là cảm nhận của nhiều người. 

Và dù phải đối mặt với dịch Covid-19, cú sốc lớn nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua cũng như rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 3% trong khi kinh tế thế giới khả năng suy giảm 4%. Kết quả này bắt nguồn từ khả năng chống chịu của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại.

Không những kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi. Chẳng hạn, chi tiêu công bắt đầu tăng trở lại sau ba năm thắt chặt tài khóa. Đến hết tháng 11, giải ngân đầu tư công đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2020.

Tuy vậy nhiều thách thức vẫn ở phía trước. Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và chưa biết khi nào mới kết thúc! Ở trong nước, những ngày đầu năm này, các lực lượng chức năng đang căng mình trước “làn sóng” nhập cảnh trái phép tiềm ẩn rủi ro lây lan dịch bệnh. Chỉ cần một sơ hở nhỏ, hoặc chỉ cần một vài người thiếu trách nhiệm với cộng đồng đều có thể gây hậu quả “domino” nghiêm trọng cho cả xã hội và quốc gia.

Biến đổi khí hậu, được cảnh báo liên tục trong thập kỷ qua và thể hiện tác động khốc liệt trong năm vừa qua cũng là vấn đề đáng chú ý không kém. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương khi đối mặt với biến đổi khí hậu. Hàng năm, nhiều người phải gánh chịu biết bao thảm họa thiên tai, đã để lại những vết sẹo hằn sâu và không thể xóa mờ.

Những trận bão nhiệt đới Linfa, Nangka, Ofel và Molave đổ bộ vào miền Trung tháng 10/2020 đã gây thương vong cho 243 người, phá hủy và làm ngập lụt khoảng 243 nghìn ngôi nhà, gây ra thiệt hại về cơ sở hạ tầng khoảng 1,3 tỷ USD. Hạn mặn ngày càng thâm nhập sâu cũng đưa  khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến gần hơn với bờ vực thảm họa hệ sinh thái… Những điều này cho thấy phát triển bền vững tiếp tục phải là ưu tiên song song với tăng trưởng kinh tế không chỉ trong năm nay mà còn trong cả dài hạn. 

Dù nhiều thách thức, khó khăn nhưng điều quan trọng là những bài học tích cực đúc rút từ kinh nghiệm ứng phó với khủng hoảng Covid-19 có thể truyền cảm hứng cho các nhà hoạch định chính sách trong nỗ lực xử lý sự dễ tổn thương ngày càng tăng của đất nước với những rủi ro thiên tai, khí hậu và môi trường.

Như Ngân hàng Thế giới chỉ ra trong báo cáo “Điểm lại” mới công bố, bài học đầu tiên cho Việt Nam là tự định vị để trở thành quốc gia tiên phong về phục hồi xanh và nâng cao khả năng chống chịu sau đại dịch. Làm như vậy không chỉ đem lại những lợi ích rõ rệt về môi trường trong cả ngắn hạn và dài hạn, mà nếu kết hợp khéo léo với chính sách thuế và đầu tư, còn có thể khôi phục dư địa tài khóa và đẩy mạnh các hoạt động kinh tế.

Bài học thứ hai là Chính phủ đã có những công cụ để hành động nhanh chóng và quyết liệt. Thành công có được trong triển khai thực hiện các biện pháp chống dịch Covid-19 là nhờ vào thế mạnh truyền thống của Việt Nam như khả năng lãnh đạo và năng lực lập kế hoạch.

Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn là thành công đó lại được tăng cường thêm nhờ tạo điều kiện cho việc thử nghiệm và đổi mới sáng tạo, áp dụng các công cụ và nền tảng kỹ thuật số, qua đó nâng cao trách nhiệm giải trình của cá nhân và tập thể. Cách kết hợp đó có thể được áp dụng cho tất cả những thách thức phía trước của một tương lai đầy bất định. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ