Không còn bị động

GD&TĐ - Cho đến thời điểm này, không ít nhà trường, địa phương đã cho học sinh dừng đến trường vì Covid-19. Chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng học” ngay lập tức được kích hoạt.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhớ lại học kỳ II năm học 2019 - 2020, toàn ngành Giáo dục chịu chung tác động diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và học sinh phải tạm dừng đến trường trong khoảng 4 tháng. Sau những buổi đầu bỡ ngỡ, giáo viên, học sinh vùng thuận lợi đến khó khăn đều nhanh chóng thích nghi, khắc phục khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất để bảo đảm học sinh không đến trường nhưng vẫn được học tập. Vùng có điều kiện, nhiều thầy cô tổ chức dạy trực tuyến, làm video, clip bài giảng gửi lên YouTube, Zalo, Facebook và các ứng dụng khác, tạo cơ hội học tập nhiều hơn cho học sinh. Trường vùng sâu, vùng xa, thầy cô khắc phục khó khăn bằng cách soạn bài, photo và gửi bài tập đến tận tay trò.

Đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn, một loạt văn bản hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình ra đời trong thời điểm này. Cùng với đó, yêu cầu về dạy học trực tuyến được nêu rõ trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 của các cấp học. Nhiều sở GD&ĐT đã chỉ đạo, tổ chức triển khai bồi dưỡng 100% giáo viên về sử dụng phần mềm, kỹ năng ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tổ chức, tương tác với học sinh thông qua mạng Internet. Qua đó, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học của đội ngũ, góp phần hoàn thành kế hoạch năm học trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Sự ứng phó linh hoạt, nhanh chóng và nỗ lực chung, đặc biệt là đội ngũ giáo viên đã giúp ngành Giáo dục hoàn thành mục tiêu “kép”: Phòng chống dịch bệnh thành công, vừa hoàn thành chương trình học. Chính những gì đã chuẩn bị và kinh nghiệm trong thời gian vừa rồi là vốn liếng quý giá để khi dịch bệnh quay trở lại, toàn ngành Giáo dục không bối rối, không bị động mà chuyển ngay phương thức dạy học, giúp hoạt động không bị đứt gãy.

Ngay khi Covid-19 tái xuất hiện, không cần phải đợi đến chỉ đạo vĩ mô, nhiều cơ sở giáo dục chủ động chuyển sang dạy học trực tuyến vì lợi ích của người học. Đơn cử như Trường THCS Ngoại ngữ, Trường THPT Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) đã cho 100% học theo hình thức trực tuyến từ 29/1 trên nền tảng Microsoft Teams. Hệ thống Vinschool và nhiều cơ sở giáo dục cũng sớm có thông báo tới phụ huynh về việc chuyển đổi hình thức học tập từ trực tiếp sang trực tuyến ngày 1/2… Những trường học được nghỉ Tết sớm, thầy cô tận dụng mọi thời gian có thể để nếu ra Tết vì dịch bệnh học sinh chưa thể đến trường, có thể triển khai ngay dạy học trực tuyến…

Có thể nói, gia tăng ứng dụng công nghệ trong giáo dục, trong đó có dạy học trực tuyến; sự hưởng ứng cao của giáo viên, học sinh, phụ huynh và các chủ thể khác trong xã hội đã tạo kết nối mạnh mẽ chưa từng thấy trong giáo dục, dạy học. Điều này tạo nền móng khi thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục. 

Tất nhiên, với dạy học trực tuyến, chúng ta mới ở giai đoạn đầu, bởi vậy khó khăn là khó tránh khỏi. Khó về trang thiết bị; còn chuyển đổi cơ học từ dạy học trực tiếp sang online; lựa chọn và ứng dụng các giải pháp công nghệ mang tính “tự phát” cảm tính… Để dạy học trực tuyến phát huy hết hiệu quả, sức mạnh, chắc chắn cần có thời gian, với sự chuẩn bị đồng bộ cả về hạ tầng công nghệ, năng lực đội ngũ, kịch bản sư phạm số, học liệu số.... 

Trước mắt, chúng ta chờ đợi Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên; bởi đây sẽ là hành lang pháp lý cho dạy học trực tuyến, được tiếp cận một cách đầy đủ, hệ thống nhưng vẫn có độ mở để triển khai lâu dài, phù hợp với thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ