Hiện thực hóa những điều ước

GD&TĐ - Hơn 10 năm công tác tại 6 điểm trường, thấu hiểu những thiệt thòi của trẻ nhỏ trên bản cao, cô Triệu Mùi Viển (Trường Mầm non Bộc Bố, Pác Nặm, Bắc Kạn) chỉ mong học trò có được bữa trưa đủ no.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Điều ước giản dị của cô giáo dân tộc Dao cũng như nhiều giáo viên cắm bản khác ở nơi đây xuất phát từ thực tế quá thiếu kinh phí để tổ chức bữa ăn trưa cho trò. Thiếu bữa trưa no, đủ dinh dưỡng, không chỉ sức khỏe của trẻ không được bảo đảm mà công tác duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng dạy học sẽ cực kỳ gian nan…

Đáp lại điều ước của thầy trò vùng cao Bắc Kạn, hôm 24/12/2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác tới thăm và tặng quà một số trường học khó khăn trên địa bàn. Trước mắt tại điểm trường Slam Vè thuộc Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Nhạn Môn (Pác Nậm) và điểm trường Nậm Lẩu, xã Sĩ Bình (Bạch Thông), Chương trình “Điều ước cho em” đã khởi công xây dựng bếp ăn, sân trường, nhà vệ sinh. Ngoài ra, đoàn công tác còn hỗ trợ gạo, máy lọc nước, quần áo ấm cho học sinh hai điểm trường. 

Trước đó, tại Kon Tum, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác cũng đến thăm và tặng quà cho các trường học ở vùng cao  huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum). Nơi đây, để giữ học sinh đến lớp, suốt thời gian dài, giáo viên các điểm trường đã góp gạo, thổi cơm nuôi trò.

Thế nhưng đồng lương ít ỏi của thầy cô không đủ sức duy trì lâu dài những bữa cơm. Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Hà, nhờ hỗ trợ của đoàn công tác, trong năm tới đây, nhà trường không phải lo lắng về kinh phí nấu cơm trưa cho 82 em học sinh ở cụm Ty Tu. Có bữa cơm trưa, đường đến trường của học sinh bớt vất vả…

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi thời gian qua nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển. Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Không ít vùng, điều kiện dạy học của giáo viên và học sinh còn khó khăn.

Trong buổi gặp mặt với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hồi tháng 11, 63 thầy cô giáo dân tộc thiểu số tiêu biểu được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã bày tỏ nhiều ước nguyện cho trò trong hành trình bám bản gieo chữ.

Từ nguyện ước của 63 thầy cô, Phó Thủ tướng đề xuất phát động phong trào vận động toàn xã hội chung tay hỗ trợ, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, đời sống sinh hoạt, tinh thần cho học sinh, giáo viên vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số. Thực hiện chủ trương này, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc quyết định khởi động Chương trình “3 điều ước”.

Theo đó, mỗi thầy cô, mỗi điểm trường vùng sâu, xa sẽ có quyền được nêu lên 3 điều ước của mình, hướng tới 5 vấn đề còn khó khăn như năng lượng điện; nhà vệ sinh; dụng cụ học tập; bữa ăn trưa cho học trò và các vấn đề còn lại như nước, trang thiết bị...

Những tín hiệu phát đi từ điều ước của thầy cô giáo và học sinh vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang nhận được những hồi đáp tích cực. Với nỗ lực của Bộ GD&ĐT, bộ, ban, ngành cùng các nhà tài trợ, những điều ước đã và đang từng bước được hiện thực hóa ở các điểm trường vùng cao Tây Nguyên, Bắc Kạn và tới đây sẽ thêm nhiều nơi nữa.

Sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội  không chỉ giúp các thầy cô, điểm trường vùng khó có thêm động lực để chăm lo tốt hơn cho sự nghiệp trồng người, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, mà còn góp phần quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.