Hiểm họa từ kích điện

GD&TĐ - Mới đây, trên sông Trà, đoạn chảy qua xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đã xảy ra một vụ chết người thương tâm.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nạn nhân là cặp vợ chồng quê xã Tịnh Hà, đối diện với xã Nghĩa Kỳ ở phía bờ Bắc, cùng 49 tuổi, làm nghề đánh cá. Nguyên nhân được cho là trong khi dùng bình ắc quy để chích cá, họ đã gặp sự cố dẫn đến tai nạn.

Đánh cá là một phần cuộc sống của cư dân ven sông Trà từ ngàn đời nay. Có điều, nếu trước đây, người xưa chỉ đánh bắt cá bằng câu hoặc lưới thì ngày nay, lớp hậu bối có cách khai thác cá mang tính huỷ diệt hơn. Đó là dùng điện để chích cá. Có người thì xài điện kéo từ nhà ra (số này chỉ làm tuỳ hứng, bắt cá làm mồi nhậu) nhưng đa số là dùng điện bằng bình ắc quy.

Điện từ bình ắc quy chạy qua thiết bị kích được đấu nối vào đầu hai cây sào dài, có vợt bằng lưới gắn vào. Người đánh cá cho ghe nhỏ chạy dọc ven sông, thấy chỗ nào nghi có cá đang trú ẩn thì dí cây sào có điện ấy vào.

Nguồn điện được dẫn từ bình ắc quy sẽ làm cho con cá “chết lâm sàng” nếu nó nằm trong tầm ảnh hưởng từ nguồn điện. Chủ ghe sẽ vợt số cá chết lâm sàng ấy lên rồi cho vào giỏ.

Lý thuyết của nghề chích điện bắt cá là vậy. Nếu chỉ đơn giản như thế thì sẽ không có chuyện tai nạn thương tâm nói trên. Vì trong quá trình thao tác, thế nào cũng có sự cố ngoài ý muốn.

Một trong những sự cố ấy là vướng các loại dây nhợ hoặc dụng cụ hành nghề để trên ghe rồi té ngã. Nguồn điện thay vì chạm xuống sông thì chạm ngay trên ghe. Người ngồi trên ghe lập tức thành nạn nhân là thế.

Tai nạn ở dạng này, nạn nhân không biết kêu cứu ai. Vì thế mới có chuyện, người em của hai nạn nhân này cũng hành nghề đánh cá ở phía hạ nguồn, tình cờ phát hiện anh chị mình tử vong thì mới tri hô.

Không phải đến hôm nay một số người mới khai thác cá bằng điện mà kể từ khi hệ thống điện quốc gia có mặt ở khắp hang cùng ngõ hẻm, các loại bình ắc quy nạp điện được bán tràn lan thì nghề khai thác cá bằng chích điện gần như có mặt khắp nơi. Nhiều vụ chết người từ việc dùng điện chích cá này liên tục xảy ra hàng năm.

Tuy nhiên, dù luật bảo vệ môi trường đã nghiêm cấm việc khai thác cá bằng hình thức này, song chưa có một ai đánh cá bằng điện bị phạt cả. Đó là lý do vì sao hành vi khai thác nặng tính huỷ diệt này vẫn cứ tồn tại và tai nạn vẫn cứ xảy ra.

Nói đây là hình thức khai thác cá huỷ diệt vì một khi dòng điện đã “nhập” vào nước, toàn bộ hệ động vật có mặt ở nơi bị nhiễm điện ấy đều chết sạch! Để bắt một con cá be bé nhưng cả chục con cá lòng tong và các loài sinh vật khác cũng buộc phải chết theo vì nhiễm điện. Điều đó cắt nghĩa vì sao các loài thuỷ sinh ngày càng cạn kiệt vì chưa kịp lớn đã phải chết non, thậm chí chết từ trong trứng!

Cá và các loài thuỷ sinh khác đã chết vì điện. Đến lượt con người đã phải trả giá cho việc làm mang tính huỷ diệt của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ