Những ngày này, không khó để nhận ra cảnh tượng nhiều nhóm người tranh thủ lúc thời vụ nông nhàn rủ nhau ra đồng, ao, hồ, vùng hạ lưu các con sông dùng kích điện để đánh bắt các loài thủy sản. “Đồ nghề” kích điện khá đơn giản, thường gồm một bình ắc quy khoảng 9 - 12 V, bộ kích điện cùng chiếc sào và vợt tự chế. Khi dùng nguồn điện nối từ bình ắc quy và bộ kích điện nhúng xuống nước, các loài thủy sinh ở gần đó bị điện giật chết nổi lên. Lúc đó, chỉ cần dùng vợt, người ta có thể thu về “chiến lợi phẩm” là các loài thủy sản lớn, bé.
Thông thường, để “đầu tư” một bộ “đồ nghề” kích điện, chỉ cần bỏ ra trung bình từ 800.000 đồng - 1.300.000 đồng. Trong khi đó, số tiền thu về từ việc bán các loại tôm, cá, lươn, chạch… “kích” được mỗi buổi từ 200.000 đồng - 500.000 đồng. Được xem là “nghề hái ra tiền” trong thời gian rảnh rỗi, vốn đầu tư ít, thu lợi nhanh nên không ít người đã bất chấp những lời cảnh báo từ các cơ quan chức năng về tình trạng mất cân bằng sinh thái và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng khi sử dụng phương pháp đánh bắt này.
Phương pháp đánh bắt thủy sản bằng cách sử dụng kích điện thường kéo dài từ đầu mùa mưa bão năm này đến khoảng tháng 2 tháng 3 năm sau. Trong khoảng thời gian đó, không biết bao nhiêu loài thủy sản đã bị tận điệt kéo theo nhiều hệ lụy đối với môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến những người tham gia đánh bắt.
Có thể nhận thấy, cách đánh bắt này tuy đơn giản nhưng lại có tính chất tận diệt cao. Do hiện tượng phóng điện, phần lớn các loài thủy sinh lớn, nhỏ nằm trong bán kính 2 - 3 m sẽ bị điện giật chết. Đối với những con bị điện giật nhưng “may mắn” thoát chết thì khả năng sinh sản bị hạn chế rất nhiều. Với sức tàn phá lớn, khi phong trào đánh bắt thủy sản bằng kích điện “nở rộ”, nguồn lợi thủy sản ở các sông, suối, ao, hồ, đồng ruộng nhanh chóng bị cạn kiệt.
Không chỉ hệ sinh thái thủy sản mất cân bằng do môi trường sống bị đe dọa, phương pháp dùng kích điện tận diệt thủy sản này còn có thể gây nguy hiểm đối với người trực tiếp đánh bắt và cả những người xung quanh. Thực tế cho thấy, không ít cái chết thương tâm đã xảy ra khi người đi kích điện bị điện giật. Mặc dù pháp luật không cho phép sử dụng hình thức đánh bắt này những vì món lợi trước mắt, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng phương pháp kích điện vẫn diễn ra khá phổ biến và công khai ở nhiều địa phương.
Từ những hậu quả gây ra đối với môi trường thủy sinh và con người, thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng ở các địa phương cần quyết liệt hơn trong việc kiểm tra, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm theo quy định. Đồng thời, cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, phân tích những tác hại, nguy hiểm từ hình thức đánh bắt thủy sản bằng phương pháp dùng kích điện nhằm đảm bảo môi trường cho các loài thủy sinh phát triển tự nhiên và ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.