Iron Dome Mỹ sẽ biến không gian thành đấu trường

GD&TĐ - Bộ Ngoại giao Nga lên án sắc lệnh của ông Trump về việc xây dựng lá chắn phòng thủ mới, cáo buộc Mỹ mở đường cho đối đầu trên không gian.

Hệ thống phòng thủ PAC-3 MSE của Mỹ.
Hệ thống phòng thủ PAC-3 MSE của Mỹ.

Theo Reuters, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 31 tháng 1 cho rằng kế hoạch phát triển "Iron Dome Mỹ" sẽ cản trở triển vọng đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân, điều mà cả Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều tuyên bố họ ủng hộ.

"Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ trực tiếp vạch ra mục tiêu tăng cường đáng kể kho vũ khí hạt nhân và phương tiện tiến hành các hoạt động tác chiến ngoài vũ trụ, trong đó có việc phát triển và triển khai các hệ thống đánh chặn trên không gian", bà Zakharova phát biểu tại họp báo ở Moskva.

Nhà ngoại giao Nga cho biết thêm: "Chúng tôi coi đây là một tín hiệu về việc Mỹ đang tập trung biến không gian vũ trụ thành đấu trường xung đột vũ trang và triển khai vũ khí ở đó.

Cách tiếp cận như vậy của Mỹ sẽ không thể góp phần làm giảm căng thẳng hoặc cải thiện tình hình chiến lược, không thể tạo nền tảng cho một cuộc đối thoại hiệu quả về vũ khí tấn công chiến lược".

Hồi đầu tuần, Tổng thống Mỹ Trump đã ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu thực hiện quy trình phát triển "Iron Dome Mỹ", lá chắn phòng thủ tên lửa thế hệ tiếp theo nhằm chống lại tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh, tên lửa hành trình và các hình thức tấn công trên không khác.

Theo sắc lệnh này, ông chủ Nhà Trắng yêu cầu phát triển và triển khai "hệ thống đánh chặn trên không gian vũ trụ" có thể đánh bại tên lửa đạn đạo trong giai đoạn tăng tốc.

Mục tiêu của kế hoạch là hiện đại hóa hệ thống lỗi thời và giải quyết "những mối đe dọa nguy hiểm" đang ngày càng trở nên phức tạp hơn khi các đối thủ của Mỹ phát triển hệ thống phóng mới.

Dù tuyên bố của Nhà Trắng về Iron Dome không đề cập đến việc tăng cường kho vũ khí hạt nhân nhưng cho biết nó "sẽ thúc đẩy mục tiêu hòa bình thông qua sức mạnh, tăng cường năng lực trả đũa để răn đe, khiến kẻ thù không dám tấn công".

Quân đội Mỹ từng chi một tỷ USD mua hai hệ thống Iron Dome của Israel và thử nghiệm tại đảo Guam năm 2021, do lo ngại nơi này có thể trở thành mục tiêu trong trường hợp xảy ra xung đột quy mô lớn.

Trong quá trình tranh cử, ông Trump cũng đã nhiều lần cam kết phát triển hệ thống Iron Dome riêng cho Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng tiếp tục khẳng định đây là ưu tiên hàng đầu của mình khi phát biểu tại bữa tiệc với các nghị sĩ Cộng hòa tại Miami ngày 27 tháng 1, trước khi ký sắc lệnh.

Cả ông Trump và Tổng thống Putin đều nói họ muốn gặp mặt trực tiếp để thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có không gian và cuộc xung đột Ukraine, nhưng Moskva cho hay họ vẫn chưa nhận được bất kỳ tín hiệu nào từ Washington về thời gian cũng như địa điểm diễn ra cuộc gặp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ