Duy trì và ổn định

GD&TĐ - Sau thành công của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 với mục tiêu kép về đích, dư luận đặt vấn đề, có nên giữ ổn định kỳ thi này cho năm sau và những năm tiếp theo?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Chương trình hành động của Chính phủ; Bộ GD&ĐT chọn thi cử là khâu đột phá, trong đó có thi THPT quốc gia, nay là thi tốt nghiệp THPT. Qua 6 năm thực hiện, lộ trình đổi mới thi cơ bản hoàn thành, Kỳ thi THPT quốc gia cũng đã hoàn thành sứ mệnh của mình. 

Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, cùng với Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7, Kỳ thi THPT quốc gia được chuyển thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Quyết định này phù hợp với luật định và thực tiễn khách quan. Đặc biệt, việc chúng ta tổ chức thành công kỳ thi càng được dư luận quan tâm và đồng tình ủng hộ.

Còn nhớ, thời điểm Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ quyết định chuyển từ Kỳ thi THPT quốc gia sang Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều người còn băn khoăn về tính khả thi, nhất là ở thời điểm dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp. Có ý kiến  cho rằng, hàng năm gần 98 – 99% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT thì có nhất thiết phải tổ chức một kỳ thi trên phạm vi toàn quốc. Nếu có những năm tiếp theo sẽ như thế nào? Ngay tại Phiên họp toàn thể của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (chiều 23/9), vấn đề này cũng được đề cập đến. Theo đó, các thành viên hội đồng đã thảo luận và cùng đồng thuận: Kỳ thi là cần thiết.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ai cũng biết, học sinh Việt Nam thường có tâm lý: Có thi mới học, không thi không học. Vì thế, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT không chỉ tạo động lực học tập cho học sinh, mà còn là cơ sở để nhà trường và các thầy cô giáo điều chỉnh, đổi mới phương pháp dạy học. Nói như GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Kỳ thi tốt nghiệp THPT giúp chúng ta đánh giá được hệ thống giáo dục. Đây còn là cơ sở, động lực thúc đẩy và tạo ra sự tiến bộ trong quá trình dạy - học của thầy - trò; quan trọng hơn là không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Thực tế cho thấy, thông qua kết quả của kỳ thi và phân tích phổ điểm, chúng ta đánh giá được môn học, lĩnh vực và địa phương nào còn yếu. Từ đó có kế hoạch và biện pháp điều chỉnh. Nói cách khác, kỳ thi chính là gạch nối quan trọng giữa quá trình dạy - học với kết quả của quá trình này.

Từ thực tiễn nêu trên, dư luận mong muốn Kỳ thi tốt nghiệp THPT tiếp tục duy trì và giữ ổn định. Đây cũng là đề xuất của các thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. Bộ GD&ĐT cho biết, sau thành công của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, kỳ thi của năm 2021 sẽ kế thừa, phát huy và tiếp tục giữ ổn định. Bộ GD&ĐT sẽ tập trung chủ yếu vào 2 khâu: Ngân hàng đề thi và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Theo đó, các trường có thể yên tâm tổ chức dạy và học. Bộ cũng cho biết, lộ trình đến năm 2025, Kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản giữ ổn định như năm 2020, tránh tạo áp lực thay đổi đối với giáo viên, học sinh và xã hội. Tất nhiên, kỳ thi vẫn phải được tổ chức nghiêm túc, công bằng, khách quan, nhưng cũng nhẹ nhàng – thí sinh đi thi như đi học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ