Đại hội và nhân dân

GD&TĐ - Sáng 21/9, Hà Nam khai mạc Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 đầu tiên trên cả nước với sự tham dự của 332 đại biểu, đại diện cho hơn 50 nghìn đảng viên.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Với chủ đề: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đạt mức phát triển khá của vùng Đồng bằng Bắc Bộ”, Đại hội là sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh Hà Nam, được kỳ vọng mở ra thời kỳ phát triển mới của địa phương trong sự phát triển chung của cả nước.

Tương tự như vậy, Đại hội Đảng của 62 tỉnh, thành còn lại - diễn ra từ nay cho tới ngày 31/10, sẽ là dịp để các địa phương đánh giá những kết quả đạt được sau 5 năm, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu; từ đó đề ra phương hướng, phát triển cho một giai đoạn mới.

Việc này cần được tiến hành thật chính xác và cặn kẽ, đồng thời phải gắn liền với bối cảnh thời sự và dự đoán về tình hình những năm tới mới có thể tìm đúng hướng đi và đề xuất được những giải pháp thực hiện hiệu quả nhằm làm cho cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn.

Đặc biệt, phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 của tất cả các địa phương không thể tách rời diễn biến và tác động của dịch bệnh Covid-19 của tiến trình toàn cầu hóa đối với đất nước nói riêng, với thế giới nói chung.

Covid-19 chắc chắn sẽ làm đảo lộn các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã chuẩn bị, đòi hỏi không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành mà ngay cả các địa phương cũng phải xác định lại thứ tự ưu tiên, có kịch bản khác nhau để bảo vệ, phục hồi, tăng tốc sản xuất, kinh doanh trở lại.

Tương tự thế giới sẽ thay đổi sâu sắc sau dịch Covid-19. Toàn cầu hóa có thể không còn như quỹ đạo hiện nay và chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu sẽ thay đổi. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, các địa phương cần tính toán các chiến lược phát triển cho một thế giới hậu Covid-19.

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, “trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định”. Vì vậy, công tác nhân sự là phần việc hệ trọng của Đại hội. Đại hội chỉ thành công khi chọn được những người ưu tú nhất, có đóng góp xứng đáng bằng đức, bằng tài của mình trong suốt nhiệm kỳ. 

Công tác nhân sự không hề đơn giản, ngược lại là khâu dễ phát sinh vấn đề, tâm tư day dứt, gây mất đoàn kết. Vì vậy, các địa phương phải “làm nhân sự” Đại hội theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán; bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan; đặc biệt phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu… như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ rõ.

Hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ Đại hội Đảng là công tác văn kiện và công tác nhân sự. Nếu các tỉnh, thành phố đặt lợi ích của người dân và sự thịnh vượng của địa phương mình vào vị trí trung tâm trong cả hai công việc này, chắc chắn sẽ gặt hái thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.