Cộng đồng trách nhiệm

GD&TĐ - Cùng với việc kêu gọi xã hội hóa nguồn lực để trang bị SGK theo CTGDPT mới, thầy cô giáo vùng núi cao đã thầm lặng làm công việc đòi hỏi rất nhiều sự kiên trì: Xã hội hóa nhận thức cho chính phụ huynh.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Vừa kết thúc năm học 2020 – 2021, ban giám hiệu các trường học vùng đặc biệt khó khăn đã phải giải bài toán SGK, nhất là SGK của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho khối lớp 1 – 2 và lớp 6. Để bảo đảm chất lượng dạy – học thì tối thiểu, HS phải có đầy đủ SGK. Vì vậy, SGK là mối quan tâm hàng đầu không chỉ của phụ huynh học sinh mà còn là của GV và nhà trường.

Sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách để mua sắm, trang bị SGK cho HS là “bài toán” có lời giải nhanh nhất, vừa bảo đảm sự đồng bộ và đúng thời điểm bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, nhất là vùng khó, cũng có đủ nguồn lực để trang cấp hết cho toàn bộ HS. Để chủ động, các trường học vận động HS ủng hộ SGK đã qua sử dụng cho thư viện để làm tủ sách dùng chung. Nhiều chương trình kêu gọi HS vùng thuận lợi tặng sách, vở cho HS vùng khó đã làm nhịp cầu kết nối, trao những bộ sách cũ hoàn chỉnh đến trường hợp có nhu cầu.

Sự tham gia hỗ trợ của các NXB, tổ chức, cá nhân… để HS có hoàn cảnh khó khăn, con em đồng bào dân tộc thiểu số… có đầy đủ SGK, đồ dùng học tập là một kênh được các trường học, ngành giáo dục khai thác có hiệu quả. Để “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” không chỉ là phong trào, đòi hỏi mỗi trường biết căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình, từ đó huy động có hiệu quả sự tham gia của thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh, nhất là chính quyền, các đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội và nhân dân ở địa phương đóng góp xây dựng trường để phát huy những yếu tố thân thiện đã có, khắc phục những hạn chế, yếu kém... Nhờ vậy, hoạt động giáo dục không còn khép kín trong phạm vi nhà trường mà có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ của ba môi trường giáo dục: Nhà trường – gia đình – xã hội.

Tuy nhiên, xã hội hóa giáo dục không chỉ đơn thuần là kêu gọi phụ huynh, các tổ chức, doanh nghiệp cùng đóng góp, chung tay với ngành Giáo dục. Chân đế bền vững nhất trong xã hội hóa giáo dục, đó là phải làm sao để phụ huynh quan tâm hơn đến việc học của con.

Thầy Nguyễn Trần Vỹ, GV Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), người đã vận động, quyên góp kinh phí để kiên cố hóa hơn 100 phòng học, hầu hết đều ở các điểm trường lẻ đầy khó khăn, hiểm trở chia sẻ rằng: Khó nhất không phải là xin được bao nhiêu tiền để xây trường. Xin tiền thì khó rồi. Nhưng khó hơn cả là kêu gọi được sự đồng tâm, đồng lòng của bà con cùng tham gia trong quá trình xây trường. Một khi người dân góp công góp sức trong quá trình xây dựng trường, họ sẽ bảo vệ, gìn giữ để công trình được bền đẹp, sạch sẽ.

Ở địa bàn vùng khó, việc xã hội hóa nhận thức thành công sẽ góp phần xã hội hóa các nguồn lực đóng góp. Chính vì vậy, những ngày hè này, thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Chung Chải số 1 (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, Điện Biên) đã đến từng nhà HS để vận động phụ huynh để dành tiền mua SKG cho con. GV phải tính toán xem thời điểm nào bà con có thu nhập mới lên vận động. Và phải hướng dẫn phụ huynh chia nhỏ ra, mỗi lần mua vài quyển để… không quá sức.

HS là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đều có chính sách của Nhà nước hỗ trợ, từ sinh hoạt phí, gạo… Tuy nhiên, nhà trường và GV cũng cần phải động viên, hướng dẫn cha mẹ HS quan tâm đến việc học tập của con em mình, thực hiện yêu cầu “3 biết”: Biết tình hình học tập, đạo đức của con em mình để phối hợp giáo dục; biết hoạt động và khó khăn của nhà trường để tham gia hỗ trợ; biết những chủ trương, chính sách về công tác GD-ĐT để cùng thực hiện. Phụ huynh cùng đồng lòng, đồng thuận, sẻ chia với nhà trường sẽ chăm lo hơn đến việc học của con, chứ không khoán trắng cho GV, nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.