Chống hay trốn bão?

GD&TĐ - Cơn bão số 9 đang tiến vào nước ta với sức gió cấp 13 - 14, giật cấp 16 - 17 chắc chắn sẽ không có một “phép màu” nào để nó có thể tan nhanh thành áp thấp như bão số 8 dù ai cũng hy vọng điều đó xảy ra.

Làm hầm tránh bão. Ảnh minh họa/INT
Làm hầm tránh bão. Ảnh minh họa/INT

Các dự báo cho thấy, bão số 9 năm nay nguy hiểm không thua bất cứ cơn bão nào đã từng xảy ra ở nước ta từ năm 2006 đến nay. Nói vậy để thấy, việc “chống bão” lúc này chỉ là nói cho thuận tai mà thôi. Tốt nhất là nên trốn bão chứ “chống” thế nào được mà chống?

Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc họp khẩn với các bộ, ngành và trực tuyến với các tỉnh để chỉ đạo cho dân sơ tán. Các tỉnh cũng cấp tập đưa ra nhiều thông báo và chỉ thị đến tận cơ sở, đặc biệt là ngành Giáo dục, phải cho học sinh nghỉ học ngay chứ không phải đợi “xem xét tình hình” như mọi khi nữa.

Bão khác lụt ở chỗ nó diễn ra không chừa một nơi nào. Ai cũng có thể là nạn nhân của nó. Vì vậy, nếu như lụt thì còn ỷ y “nước sẽ không thể ngập nhà mình” nên nhiều người cố thủ đến khi phải dở mái ngói ngoi lên kêu cứu, còn bão thì không thể chủ quan cho rằng “nó không thổi vô nhà mình” được! Vậy trốn bão như thế nào? 

Các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9 đã lên phương án chuyển dời dân đến nơi an toàn hơn. Sẽ có khoảng 1,2 triệu người ở vùng tâm bão, đặc biệt là vùng ven biển, nơi mà nước biển có thể dâng cao 8 - 10 mét nhấn chìm mọi ngôi nhà sát bờ biển, phải đi ngay trong ngày 27/10.

Đi trốn bão, tức là rời những ngôi nhà mà độ an toàn không có để đến những vùng cao hơn và thúc thủ trong nhà tầng kiên cố. Một số nơi như huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), huyện Thăng Bình (Quảng Nam), người dân đã đào hầm kiên cố rồi đưa người già, trẻ con vào đó để trốn bão.

Đã nói trốn bão thì ai cũng phải chấp hành chứ không chỉ có người già và trẻ con. Có những cái chết lãng xẹt vì chủ quan. Thấy gió làm bung một góc miếng tôn, thế là đội mưa gió ra cột lại. Một cành cây gãy, bổ xuống đầu và chết.

Vì tiếc mấy tấm lưới rách nên ở lại trên tàu giữ của. Bão vô, tàu và người cùng chìm. Vì sợ cá theo bão thoát ra ngoài nên có người cố thủ ở lại trên các lồng bè. Bão ập đến, lồng bè và người đều đi tong…

Đã nói đi trốn bão là không tơ tưởng gì đến tài sản nữa. Không vì tiếc của mà bỏ mạng một cách oan uổng như thế được. Chui vào núp kín trong nhà tầng hoặc trong hầm, điện đóm đều cúp hết. Gió có làm tung cửa, mưa có làm ướt quần áo mền mùng cũng mặc xác nó, miễn sao người còn của còn. 

Trong bão là phải luôn nhủ mình và chấp hành nghiêm kỷ luật do chính mình đặt ra như thế. Sau bão cũng chưa hẳn đã an toàn nếu tiếp tục chủ quan với việc ra đường khi cây vẫn còn khả năng gãy đổ, dây điện bị đứt có khả năng gây chết người…

Thiên tai là điều khó tránh đối với những vùng đất như miền Trung. Ông bà mình đã từng chịu hàng nghìn cơn bão kể từ khi mở cõi thì không lý gì mà mình lại không rút được kinh nghiệm khi cuồng phong ập vào để phải chết oan!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.