“Chơi” theo phong trào

GD&TĐ - Chưa bao giờ lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán lại nhiều đến vậy! Đây là cảm nhận chung của phần đông những người quan tâm đến kênh đầu tư này ở thời điểm hiện tại.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thanh khoản của thị trường luôn duy trì ở mức cao do cường độ dòng tiền đổ vào rất mạnh. Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021 (ngày 4/1), đỉnh thanh khoản lịch sử đã được xác lập với hơn 16.200 tỷ đồng, nhưng kỷ lục này đã ngay lập tức bị phá vỡ vào ngày hôm sau.

Động thái ấy tiếp nối đà thăng hoa của thị trường từ cuối năm ngoái. Theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, có 2 dòng tiền chính chảy vào thị trường. Đầu tiên là nguồn vốn bổ sung của nhóm công ty chứng khoán ngoại, các công ty chứng khoán nội trong tốp những công ty lớn nhất. Thứ hai là dòng tiền từ các nhà đầu tư mới, lần đầu tham gia thị trường, còn gọi là F0.

Quan sát thực tế có thể thấy nền lãi suất tiền gửi hiện giảm mạnh. Mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn quanh quẩn mức 4%/năm, nếu trừ đi lạm phát gần 3% năm 2020 thì lãi suất thực dương gần như không đáng kể. Vì thế có một lượng tiền lớn dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán. 

Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) “gia cố” thêm cho nhận định nêu trên. Tháng 12/2020 tiếp tục chứng kiến kỷ lục mới về số lượng mở mới của nhà đầu tư cá nhân với 63 nghìn tài khoản, gấp rưỡi tháng 11. Tính cả năm 2020, nhà đầu tư cá nhân mở 392,5 nghìn tài khoản, tăng 109% so với năm 2019.

Đáng quan ngại ở chỗ các nhà đầu tư F0 thường xuất hiện sau khi thị trường trải qua đợt tăng giá mạnh, và trong số đó có không ít người chơi chứng khoán theo kiểu phong trào, quyết định mua – bán theo đám đông, theo khuyến nghị của người khác mà chưa có kiến thức thực để tự mình lập một kế hoạch đầu tư nghiêm túc. Trước lợi nhuận hấp dẫn của thị trường, không ít người trong số họ đi vay mượn để chơi chứng khoán, một việc được xếp vào hàng cấm kỵ vì cực kỳ rủi ro.

Nỗi bất an sẽ còn gia tăng bởi làn sóng đầu tư cổ phiếu nhiều khả năng sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm nay khi mà hầu hết công ty chứng khoán dự báo đây sẽ là một năm tốt lành. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng với mức định giá hiện tại, VN-Index có thể hướng tới mục tiêu tăng khoảng 22% so với năm 2020.

Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo VN-Index sẽ cán mốc 1.180 điểm trong năm 2021 với động lực đến từ những yếu tố như đà tăng trưởng của tổng cầu nội địa và niềm tin người tiêu dùng hồi phục sẽ hỗ trợ bán lẻ, thực phẩm và đồ uống phục hồi nhanh hơn các ngành khác; Đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung vào cơ sở hạ tầng là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng và hạ tầng hàng không.

Các cơ hội liên tiếp được mở ra trong những thông tin tích cực như thế này nhưng thực tế cũng cho thấy, các nhà đầu tư F0 rất dễ trở thành nhà đầu tư theo phong trào và bị đào thải khốc liệt.

Đầu tư vào kênh nào đều phải có chiến lược. Rót tiền vào chứng khoán cũng vậy. Mỗi nhà đầu tư đều cần tìm ra những cổ phiếu đáng tin cậy, có triển vọng rồi lập chiến lược để đầu tư và luôn phải chuẩn bị tâm lý cho những biến động lớn. Nếu đầu tư vào kênh chứng khoán theo phong trào, theo kiểu may rủi đỏ - đen thì hậu quả rất khôn lường, nhất là khi thị trường có dấu hiệu tăng trưởng nóng như hiện nay. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ