Chị Hoàng Linh (27 tuổi) - một nhân viên văn phòng, làm công việc kế toán tại một doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Hồi tháng 4/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, như nhiều người khác, công việc của chị Linh cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Thời gian làm việc ở nhà nhiều và đầu việc cũng ít hơn, chị Linh phải tìm kiếm những nguồn thu nhập thêm ngoài việc chính của công ty. Lúc này, một vài đồng nghiệp mách nước cho chị tìm hiểu về thị trường chứng khoán cơ sở. Với kiến thức sẵn có về kế toán, chị Linh bắt đầu tìm hiểu về một số doanh nghiệp niêm yết và mở tài khoản giao dịch.
Do mới bắt đầu nên chị Linh chỉ đầu tư 100 triệu đồng để mua cổ phiếu ngành thép (HPG của Hòa Phát và HSG của Hoa Sen), do kỳ vọng vào triển vọng của ngành này từ chính sách thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ.
Khi đó, thị giá HPG chỉ đang dao động quanh 15.000 đồng còn HSG mới chỉ hơn 5.000 đồng. Chỉ 1 tháng sau đó, trong khi HPG tăng giá hơn 25% thì HSG cũng tăng gấp rưỡi.
"Chỉ 1 tháng đầu tư và quan sát, tài khoản của tôi đã tăng nhanh chóng, mức lãi thậm chí còn hơn cả tiền lương của tôi đang làm" - chị Linh nói cho biết: "Sau đó, tôi quyết định rút tiết kiệm để bỏ thêm 200 triệu nữa vào đầu tư, tuy nhiên, tôi vẫn phải để lại một phần nhất định trong tài khoản tiết kiệm ngân hàng, không dám rút hết".
Đến nay, giá cổ phiếu HPG đã là 42.800 đồng (đóng cửa phiên 6/1/2021) và thị giá HSG đạt 23.700 đồng. Chị Linh không cho biết đã rút hết vốn khỏi hai doanh nghiệp Hòa Phát và Hoa Sen chưa, nếu chưa thì chị đã thu về một khoản tiền lớn từ đầu tư cổ phiếu bởi so với đáy cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm ngoái thì HPG nay tăng gấp 3 và HSG cũng tăng hơn 4 lần.
Thống kê của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, trong năm 2020, trên sàn HSX có 301 cổ phiếu tăng giá so với 96 mã giảm; trên sàn HNX có 234 mã tăng và 122 mã giảm. Như vậy, xác suất nhà đầu tư có lãi là rất cao.
Chỉ số VN-Index cả năm tăng gần 15% và đặc biệt trong nửa cuối năm 2020 tăng tới 33,78% và là 1 trong 5 thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất thế giới. HNX-Index tăng 98,15% và UPCoM-Index cũng tăng 31,6% trong năm 2020.
Trong giai đoạn này, nhà đầu tư gần như cứ đánh là… thắng. Các đợt "sóng" cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu chứng khoán… đều được nhà đầu tư tận dụng triệt để.
Cộng với sự phát triển của mạng xã hội, các công cụ hỗ trợ đầu tư mới xuất hiện trên thị trường, hàng loạt hội, nhóm nhà đầu tư và môi giới được thành lập càng khiến thị trường trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Thanh khoản thị trường chứng khoán trong năm 2020 đạt bình quân gần 7.400 tỷ đồng/phiên, trong đó các tháng 11 và 12 lần lượt đạt trung bình 10.000 và 14.800 tỷ đồng mỗi phiên, tăng hơn 2 lần so với bình quân năm 2019.
Tổng huy động vốn qua thị trường chứng khoán trong năm 2020 đạt 384.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019. Quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã đạt 84,3% GDP năm 2020.
Cơn "khát" lợi nhuận lan rộng. Hoạt động đầu tư không chỉ có những nhà đầu tư chuyên nghiệp mà còn có sự gia nhập dồn dập của những nhà đầu tư cá nhân, từ cán bộ hưu trí cho đến người lao động tự do.
Anh Nguyễn Tú, một nhân viên truyền thông ở TPHCM cho biết: "Vốn là người thận trọng và ít tin vào may rủi, nhưng vừa rồi thấy thị trường này hấp dẫn quá nên mình cũng đã thử tìm hiểu và tham gia".
Theo anh Nguyễn Thanh Hải, một nhân viên môi giới chứng khoán làm việc tại Hà Nội thì thị trường chứng khoán đang hưởng lợi nhờ triển vọng kinh tế phục hồi và nhất là nền lãi suất thấp. Số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường ngày một đông đảo đẩy thanh khoản thị trường tăng mạnh.
Thị trường thời gian qua chứng kiến làn sóng đầu tư chứng khoán mạnh mẽ chưa từng có. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), trong 12/2020 vừa qua tiếp tục chứng kiến kỷ lục mới về số lượng mở mới của nhà đầu tư cá nhân với 63.075 tài khoản, gấp rưỡi tháng 11.
Tính tổng cộng cả năm 2020, nhà đầu tư cá nhân mở 392.527 tài khoản, tăng 109% so với cả năm 2019 (187.825 tài khoản).
Trong khi đó, lượng tài khoản nhà đầu tư tổ chức trong nước tiếp tục tăng từ 123 của tháng 11 lên 168, cao kỷ lục. Tính cả năm, nhà đầu tư tổ chức trong nước mở gần 1.132 tài khoản, cao hơn mức 821 của cả năm 2019.
Tính chung, lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước ở tháng 12 đạt mức kỷ lục trong lịch sử với 63.243 tài khoản, tăng 53,5% so với tháng 11, nâng tổng số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước tính đến hết 31/12 là hơn 2,7 triệu tài khoản.
Tuy vậy, theo anh Nguyễn Thanh Hải, thị trường hiện đã bước vào giai đoạn tăng trưởng nóng. Những nhịp điều chỉnh có thể xảy ra là tất yếu và nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý cho những biến động lớn. Do vậy, cần tránh tình trạng mua đuổi, sử dụng tỉ trọng đòn bẩy margin quá lớn.