An toàn trên hết!

GD&TĐ - Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết sở GD&ĐT tỉnh, thành phố yêu cầu các trường phải báo cáo kế hoạch tổ chức ngoại khóa, dã ngoại và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh.

Bởi thực tế đã có những sự cố ngoài ý muốn xảy ra, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của các em.

Sơ kết học kỳ I là thời điểm thích hợp để nhiều trường tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa bên ngoài nhà trường. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như địa điểm là các di tích lịch sử, trang trại giáo dục dành cho học sinh… Tuy nhiên, một vài năm gần đây, không ít trường chọn khu du lịch sinh thái để tổ chức cho học sinh đi dã ngoại trong ngày, thậm chí 2 ngày. Được ví “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”; thế nhưng ở lứa tuổi này, nhiều em còn thiếu kỹ năng xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm, nên nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích là điều khó tránh khỏi.

Ai cũng biết, hoạt động dã ngoại không chỉ giúp học sinh giải tỏa stress; tăng cường sức khỏe, mở rộng mối quan hệ bạn bè, mà còn góp phần phát triển kỹ năng mềm và kích thích khả năng sáng tạo. Bởi hoạt động dã ngoại không đơn thuần là một môn học, mà là sự tổng hòa các hoạt động: Từ thể chất cho đến kỹ năng sống. Thế mới nói, hoạt động dã ngoại cùng giáo dục trong nhà trường giúp học sinh phát triển toàn diện cả Văn – Trí - Thể - Mỹ.

Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động dã ngoại phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, làm sao để chuyến đi thật sự vui vẻ và ý nghĩa. Tất nhiên, không vì một vài sự việc không mong muốn xảy ra mà chúng ta nghiêm cấm tuyệt đối các trường tổ chức dã ngoại cho học sinh. Vấn đề đặt ra là, nhà trường, phụ huynh cần coi đó là bài học để rút kinh nghiệm; từ đó chuẩn bị kỹ càng, chu đáo và theo sát học sinh trên từng cây số, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các em. Những hoạt động ngoại khóa, chuyến đi dã ngoại càng được chuẩn bị kỹ bao nhiêu, càng an toàn và hiệu quả bấy nhiêu. 

Đặc biệt, nhà trường phải xây dựng kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ, phân công rõ nhiệm vụ cho từng thành viên trong chuyến đi. Đồng thời cảnh báo các nguy cơ để học sinh nắm rõ và lưu ý thực hiện. Có như vậy, dã ngoại mới có ý nghĩa và không trở thành mối lo của các bậc phụ huynh.

Song nói gì thì nói, điều quan trọng là cần trang bị kỹ năng sống cho các em. Đây là việc làm cần thiết và cần được bồi dưỡng, giáo dục thường xuyên. Việc này không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, rất cần phát huy vai trò của gia đình trong giáo dục kỹ năng cho con cái. Theo đó, cha mẹ có thể chia sẻ với con cái các tình huống thường gặp khi đi dã ngoại, cách xử trí khi không may gặp sự cố. Từ những câu chuyện của bố mẹ giúp các em có được kiến thức và chuyển hóa thành kỹ năng khi gặp các tình huống trong thực tế.

Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố nhằm đôn đốc, nhắc nhở bảo đảm an toàn cho học sinh, trường học. Dã ngoại là hoạt động bổ ích và cần thiết cho học sinh. Nhưng nếu việc tổ chức không chu đáo, phụ huynh, học sinh, dư luận phản ánh là điều “tất lẽ dĩ ngẫu”, bởi sự an toàn của học sinh vẫn là trên hết. Đã đến lúc cần xem xét và chấn chỉnh lại kế hoạch dã ngoại của các cơ sở giáo dục. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và quan trọng hơn cả, không thể giao khoán hay quá tin tưởng lời hứa từ đơn vị tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh để điều tra nắm bắt các loài động vật hoang dã.

'Mắt thần' giữ rừng Quảng Trị

GD&TĐ - Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) có tổng diện tích gần 23.500ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh nên có nhiều loài động vật quý hiếm.