Theo thông tin từ bệnh viện, bệnh nhân B.T (27 tuổi, trú tại Quảng Ngãi), 15 ngày trở lại đây xuất hiện tình trạng vàng da, vàng mắt, người mệt mỏi, ăn uống kém, hay nôn ói nên đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán với virus viêm gan B, C và các virus viêm gan khác nhưng đều cho kết quả âm tính. Qua khai thác bệnh sử được biết, trước đó, bệnh nhân từng uống khoảng 80 viên paracetamol trong vòng 2 tháng để chữa đau nhức cơ.
Theo bệnh nhân, do hay bị đau nhức lưng, vai gáy vì công việc, nên thường ra hiệu thuốc mua paracetamol về uống. Một ngày bệnh nhân uống khoảng 2 viên, uống cũng hơn 2 tháng.
ThS.BS Lê Quốc Tuấn, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết: "Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng viêm gan, suy gan cấp nặng, các chỉ số men gan, bilirubin, chức năng đông máu bị rối loạn nghiêm trọng".
Ê-kíp bác sĩ đã tiến hành điều trị tình trạng suy gan cấp nặng ở bệnh nhân bằng phương pháp thay huyết tương kèm theo điều trị hỗ trợ trong lúc chờ đợi gan hồi phục.
Sau 8 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân hiện tại ổn định, ăn uống ngon miệng, tình trạng vàng ở da và mắt được cải thiện. Hiện tại, bệnh nhân đã được cho xuất viện.
Theo các bác sĩ, paracetamol là loại thuốc giảm đau, hạ sốt, được sử dụng phổ biến trên thị trường và người dân có thể tự mua dễ dàng tại các nhà thuốc. Ngộ độc paracetamol nhẹ thì tổn thương viêm gan, nặng thì có thể gây suy gan cấp, thậm chí là tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Ngộ độc paracetamol có xu hướng tăng lên ở nước ta. Ngộ độc paracetamol là một loại ngộ độc dễ gặp nhưng dễ bị bỏ sót, chẩn đoán chậm trễ, đặc biệt khi người bệnh lạm dụng paracetamol để tự điều trị với mức độ quá liều lặp lại nhiều lần.
Bác sĩ Tuấn cảnh báo: Người dân nên lưu ý liều lượng sử dụng của thuốc paracetamol theo chỉ định của bác sĩ. Nếu có những dấu hiệu bất thường sau khi sử dụng thuốc paracetamol như: ngứa, vàng da, vàng mắt, ăn uống kém, nôn ói… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và điều trị kịp thời.