Phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 9 tuổi có khối u hốc mắt từ nhỏ

GD&TĐ - Bệnh nhi là bé L.M.Q. (9 tuổi, quê Sơn La). Bé được phát hiện có khối u hốc mắt từ nhỏ nhưng vì gia đình nghèo nên em không có điều kiện chữa trị. 

Khối u to dần che lấp toàn bộ mắt bên trái gây lồi mắt, xâm lấn da vùng mi trên, cung mày và trán trái. Bé thường bị bạn bè trêu đùa khi đi học. Có lúc, khối u còn chảy máu tại nhà. 

Gần đây, được sự giúp đỡ của một số tổ chức, cá nhân hảo tâm, bé được đưa xuống khám tại Hà Nội. 

Là ca bệnh phức tạp, khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ thuộc Bệnh viện Việt Đức đã mời bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật Thần kinh, Chẩn đoán hình ảnh của viện này và các chuyên gia Bệnh viện Mắt Trung ương hội chẩn, cùng phẫu thuật ca u hốc mắt này.  

Các bác sĩ xác định đây là khối u lớn, xâm lấn toàn bộ da, tổ chức dưới da, nhãn cầu và tổ chức trong hốc mắt như thần kinh thị, hệ thống cơ vận nhãn… Vì thế không còn khả năng bảo tồn mắt và tổ chức xung quanh, việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn.

Bé Q đã được nút các mạch máu vào u và được phẫu thuật hai lần. 

Lần 1 cắt toàn bộ khối u và che phủ tạm thời. Lần 2 xoay vạt trán tạo hình mi trên và ghép niêm mạc miệng tạo hình ổ mắt. 

Hiện tại, Q đã được lắp mắt giả, bé có thể quay trở lại trường học và sinh hoạt bình thường. 

Với những trường hợp này, việc điều trị không chỉ là cắt bỏ khối u đơn thuần mà các bác sĩ phải tính toán vừa điều trị khối u, vừa phục hồi tối đa diện mạo cho người bệnh, giúp bệnh nhân tái hòa nhập với cộng đồng tốt nhất, tránh các ảnh hưởng tâm lý.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa phẫu thuật hàm mặt - tạo hình - thẩm mỹ bệnh viện cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy đây là khối dị dạng mạch máu có tính chất lành tính, một loại bệnh lý khá thường gặp và có thể kiểm soát được nếu phát hiện và điều trị kịp thời.

Rất tiếc trường hợp này đến các cơ sở điều trị quá muộn nên không thể bảo tồn mắt cho người bệnh. Chúng tôi phối hợp giữa nhiều chuyên khoa sâu ở trong bệnh viện và các bệnh viện khác nhau, không chỉ điều trị bệnh mà còn phục hồi tối đa hình dáng bên ngoài, nhờ đó giúp giảm thiểu các sang chấn tâm lý sau này, một vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt là với trẻ em.

Tin tiêu điểm

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

Thế giới
GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.

Đừng bỏ lỡ

Ukraine đang giấu mình trong lòng đất

Ukraine đang giấu mình trong lòng đất

GD&TĐ - Báo Tây Ban Nha đưa tin, Ukraine đang tích cực xây dựng mạng lưới nhà máy sản xuất vũ khí ngầm ở trong lòng đất, nhằm tránh đòn tấn công của Nga.