Sướng như nông dân Mỹ

GD&TĐ - So với các nước trên thế giới, ngành nông nghiệp của Mỹ luôn ở vị trí "thượng hạng", tân tiến và rất đáng ngưỡng mộ. Nhưng điều đáng kinh ngạc là lao động nông nghiệp chiếm khoảng 1% trong tổng dân số 322 triệu người.

Sướng như nông dân Mỹ

Nếu tính dưới góc độ lực lượng lao động thì lao động ngành nông nghiệp của Mỹ chỉ chiếm 0,7% tổng số lực lượng lao động của toàn nước Mỹ tính đến thời điểm năm 2014 (với 155.421.000 người). Vì sao nước Mỹ có một tỷ lệ nông dân rất nhỏ so với tổng lực lượng lao động, mà lại có một nền nông nghiệp lớn mạnh như vậy?

Kỹ thuật hiện đại - trợ thủ đắc lực trong sản xuất nông nghiệp

Là một trong những quốc gia đi đầu về phát triển công nghệ, không có gì ngạc nhiên khi hầu như mọi hoạt động trong sản xuất nông nghiệp tại Mỹ đều thực hiện bằng máy móc, từ làm đất, gieo trồng, bón phân, tưới tiêu đến gặt hái.

Thậm chí, nông dân Mỹ còn dùng máy bay để phun thuốc trừ sâu, dùng máy điện toán để theo dõi kết quả thu hoạch. Cũng không lấy gì làm lạ khi nhìn thấy những người nông dân Mỹ lái máy kéo với các ca bin lắp điều hòa nhiệt độ, gắn kèm theo những máy cày, máy xới, máy gặt có tốc độ nhanh và rất đắt tiền.

Nếu tìm hiểu sâu về vấn đề này, chúng ta có thể thấy nước Mỹ đặc biệt nhấn mạnh đến việc cơ giới hóa các phương tiện canh tác, sử dụng máy móc thay thế cho sức người và sức súc vật. Chi phí máy móc chiếm một tỷ lệ rất lớn trong tổng chi phí đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Việc cơ giới hóa máy móc không chỉ đơn thuần là tăng số lượng máy móc trên cánh đồng mà còn chú ý đến thực hiện kết hợp các tính năng để tạo ra các máy liên hoàn, kết hợp máy kéo với máy cày, máy gieo trồng, máy gặt. Hay các sáng kiến về các loại máy móc có thể canh tác được ở những vùng đất cứng mà sức người khó có thể làm được.

Với diện tích đất canh tác rộng lớn nên việc áp dụng các phương tiện và kỹ thuật hiện đại trong sản xuất nông nghiệp đã khiến cho năng suất lao động tăng mạnh. Bên cạnh đó, mặc dù có những đợt lũ lụt và hạn hán nhưng nhìn chung lượng nước mưa tương đối đầy đủ, nước sông và nước ngầm cho phép tưới tiêu tại các tiểu bang thiếu nước.

Vùng đất phía Tây thuộc miền Trung nước Mỹ có đất đai canh tác màu mỡ. Chính vì vậy khi đến Mỹ, người ta thường thấy những cánh đồng ngô, đậu nành, lúa mì, cam, cánh đồng cỏ, rộng mênh mông, xanh tươi, bát ngát. Vào đầu thế kỷ 20, phải có 4 nông dân mới sản xuất nông phẩm đủ nuôi cho 10 người, ngày nay, một nông dân Mỹ có thể cung cấp đủ lương thực nuôi 100 người Mỹ và 32 người đang sống tại các nước trên thế giới.

Chúng ta học được gì từ họ?

Công bằng mà nói, sự phát triển vượt trội của nông nghiệp Mỹ là do yếu tố con người. Xét trên góc độ lịch sử, nông dân Mỹ được nhìn nhận với tính tự chủ rất cao, cần cù, sáng tạo, kiên nhẫn và đầy nhiệt huyết. Và thời kỳ đầu, những người nông dân này đến Mỹ với bàn tay trắng, tự làm việc trên những mảnh đất không có giấy tờ sở hữu.

Năm 1790 nông dân Mỹ chiếm 90% dân số. Số lượng nông dân giảm liên tiếp qua thời gian, đến năm 1920, nông dân Mỹ chiếm 30.8% tổng dân số, đến năm 1960, họ chiếm 8,3% tổng dân số và đến thời điểm năm 2014, ước tính số lượng nông dân Mỹ thực sự hoạt động trên đồng ruộng chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số toàn dân Mỹ. Những người nông dân này thực hiện vận hành các nông trại nhỏ và vừa được của chính gia đình họ, hay họ thành lập nên những công ty do chính họ làm chủ, chiếm tới 95% tổng diện tích đất nông nghiệp được canh tác, 5% còn lại thuộc về các tập đoàn lớn làm chủ.

Điều đáng ngưỡng mộ nữa ở nông dân Mỹ là họ sử dụng máy móc rất thành thạo, có trình độ hiểu biết cao về nông nghiệp và kinh tế, nhiều người có bằng đại học. Họ chú trọng vào việc cải thiện kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật chăn nuôi gia súc dẫn đến sản lượng nông nghiệp tăng mạnh. Hình ảnh người nông dân Mỹ ngày nay là hình ảnh của người công nhân nông nghiệp. Họ hay mặc quần jean, áo carô màu, sống trong những khu vực đầy đủ tiện nghi.

Thu nhập của người làm nghề nông ở Mỹ khá cao, mức lương trung bình hiện nay của một nông dân Mỹ là 61.000 đô la/năm. Tính trên hộ gia đình thì thu nhập trung bình của một gia đình nông dân năm 1960 là 4.654 đô la, đến năm 2012 thì thu nhập trung bình là 108.814 đô la, tăng 23,38 lần trong thời gian 52 năm.

Với những lý do trên, dễ hiểu ngành nông nghiệp Mỹ đã đạt được những thành tựu to lớn, thực sự đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Mỹ, với các loại thực phẩm dồi dào giá rẻ, tạo thêm công ăn việc làm cho các ngành chế biến, sản xuất máy móc, và đặc biệt dịch vụ xuất khẩu nông phẩm "ngao du" khắp các nước trên thế giới.

Trông người lại ngẫm đến ta, suy cho cùng, để có được những bước đột phá cho ngành nông nghiệp Việt Nam, có lẽ cần có những chính sách hữu hiệu giúp đỡ người nông dân một cách toàn diện hơn nữa. Có như vậy ngành nông nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ