Súng vẫn nổ trong lòng 'đất hứa'

GD&TĐ -Vào khoảng 18 giờ ngày 17/7 theo giờ địa phương (6 giờ ngày 18/7 giờ Hà Nội), một vụ xả súng đã xảy ra ở Trung tâm Thương mại Greenwood Park, thị trấn Greenwood, bang Indiana, Mỹ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Các nhân chứng nhớ lại đã nghe thấy khoảng 20 tiếng súng rền rĩ trong khu vực ăn uống của trung tâm thương mại.

Nghi phạm, là nam giới, mang theo một khẩu súng trường cùng nhiều băng đạn xông vào khu thực phẩm và bắt đầu nổ súng. Vụ việc khiến 3 người thiệt mạng, sau đó một người dân ở hiện trường đã nổ súng và tiêu diệt nghi phạm.

Ông Mark Myers, Thị trưởng thành phố Greenwood, cho biết: “Chúng tôi ghi nhận một vụ xả súng tối nay tại Trung tâm Thương mại Greenwood Park khiến ba người thiệt mạng và ba người khác bị thương. Dù nhiều năm làm cảnh sát, đây vẫn là vụ việc cực kỳ sốc đối với tôi cùng với toàn bộ cộng đồng”.

Nước Mỹ gần đây liên tiếp trải qua các vụ xả súng đẫm máu. Chỉ hai tuần trước khi xảy ra vụ xả súng ở Greenwood, ngày 4/7, tay súng Robert Crimo đã nổ súng tại lễ diễu hành mừng Quốc khánh Mỹ tại bang Illinois khiến 7 người chết và hàng chục người bị thương.

Trước đó, cuối tháng 5, một vụ xả súng nghiêm trọng cũng xảy ra tại Trường Tiểu học Robb, thành phố Uvalde, bang Texas, khiến 21 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em.

Bạo lực súng đạn đang là vấn đề khiến nước Mỹ đau đầu. Theo số liệu của tổ chức phi lợi nhuận Lưu trữ Bạo lực Súng đạn (GVA), mỗi năm khoảng 40.000 người Mỹ thiệt mạng do súng. Tính đến ngày 5/7, hơn 300 vụ xả súng hàng loạt đã xảy ra tại Mỹ kể từ đầu năm 2022.

Mỹ tự hào với nền quân sự hàng đầu thế giới nhưng cũng là một trong những nơi kém an toàn nhất khi người dân sống trong lo sợ về các vụ xả súng. Hiện tại, chỉ cần nghe thấy tiếng gói bánh nổ, người Mỹ cũng nhảy dựng lên.

Đối với một số người, nỗi sợ này là một điều mới mẻ, xuất hiện sau những vụ xả súng hàng loạt tại Ulvalde, Texas. Nhưng với phần đông người Mỹ, sự lo lắng này đã được bồi đắp trong nhiều năm khi danh sách các vụ xả súng lẫn số người chết vì xả súng ngày một dài hơn.

Những sự kiện này làm nổi bật tình trạng căng thẳng trong lòng nước Mỹ khi chính phủ bãi bỏ một đạo luật hạn chế những người có thể mang súng nơi công cộng tại New York.

Tiếp theo đó, nước này tiếp tục chia rẽ sâu sắc cả về chính trị lẫn xã hội khi Toà án Tối cao đảo ngược phán quyết về quyền phá thai cùng một loạt vấn đề xã hội như chi phí leo thang, nhiên liệu giảm, điều tra bạo loạn Đồi Capitol...

Liên tiếp các sự việc nghiêm trọng xảy ra đã làm suy giảm mức độ tin tưởng của người dân đối với lực lượng thực thi pháp luật. Họ cũng đang dần mất niềm tin với nhau cũng như với các tổ chức, cơ quan chính phủ, chuyên gia... Người dân trông đợi một biện pháp mạnh tay để giải quyết tình trạng bạo lực súng đạn, bắt nguồn từ việc kiểm soát mua bán súng đạn.

Nhưng chính quyền của Tổng thống Joe Biden không thể thực hiện lời hứa ngăn chặn bạo lực súng đạn do thiếu sự đồng thuận từ quốc hội, đặc biệt từ đảng Cộng hòa. Việc cấm mua bán vũ khí là bất khả thi. Thay vào đó, Nhà Trắng chỉ có thể giảm thiểu phần nào tác động như phân bổ ngân sách cho trị an công cộng, chống buôn lậu súng...

Những nỗ lực mong manh này sẽ không thể ngăn các thảm kịch như vụ xả súng ngày 17/7, cũng không thể khiến nước Mỹ trở nên đoàn kết hơn. Chìa khóa xoa dịu nỗi sợ của người dân Mỹ trước những thảm kịch vẫn nằm đâu đó ngoài kia và chưa được ai tìm thấy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.