Sức vươn của giáo dục K"Bang quê hương anh hùng Núp

Sức vươn của giáo dục K"Bang quê hương anh hùng Núp

(GD&TĐ)- Đến huyện K’Bang tỉnh Gia Lai, quê hương của anh hùng Núp, người con của núi rừng Tây Nguyên đã đi vào huyền thoại, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất nghèo khó xưa kia. Cùng với sự vươn lên ở các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế xã hội, GD-ĐT nơi đây đang có sức vươn mãnh liệt. 

Dọc đường đi, dễ nhận ra nhất có lẽ là cây trồng vật nuôi. Từ thành phố Pleiku, theo quốc lộ 19 đi qua huyện Đăk Pơ, rẽ vào đường Trường Sơn Đông chúng tôi đến làng Stơr, xã Tơ Tung bất khuất năm xưa. Nơi anh hùng Núp đã sinh ra, lớn lên và dùng nỏ bắn chảy máu tên sĩ quan Pháp, mở đầu cho những chiến công lẫy lừng của người Ba Na đã đi vào huyền thoại trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Dọc đường là bát ngát những vạt mía đường chuẩn bị đến vụ thu hoạch, những rẫy ngô, sắn và các loại nông sản khác. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông mình, thế hệ con cháu người Ba Na hôm nay đang từng bước vươn lên ngay trên vùng đất cách mạng. 

Xã hội hóa và lồng ghép nhiều nguồn lực tài chính cải tạo cơ sở vật chất

Điểm trường Mầm non và Tiểu học xã Tơ Tung tại làng Stơr, quê hương anh hùng Núp được xây dựng khang trang. Ảnh, gdtd.vn
 Điểm trường Mầm non và Tiểu học xã Tơ Tung tại làng Stơr, quê hương anh hùng Núp được xây dựng khang trang. Ảnh, gdtd.vn

Trưởng phòng giáo dục K’Bang Vương Thị Hội cho biết, là một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh nhưng đến nay K’Bang đã xóa được 100% làng trắng về giáo dục. Được như vậy là do giáo dục huyện nhà đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể góp phần cải tạo cơ sở vật chất cho ngành. 

Ngay trên làng STơr, bên cạnh nhà tưởng niệm anh hùng Núp mới được khánh thành, trường Mầm non Họa Mi làng STơr và trường Tiểu học Tơ Tung cũng đã được xây dựng khang trang. Các nguồn vốn được dùng để xây 2 trường này gồm vốn trái phiếu chính phủ của Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho GV giai đoạn 2008-2012 (Đề án KCH), vốn của Dự án Giáo dục Tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC) và vốn ngân sách địa phương. 

Cô Hội cho biết: những nỗ lực, cố gắng tranh thủ mọi nguồn lực tài chính đã làm cho cơ sở vật chất của giáo dục K’Bang được cải thiện nhiều so với trước, đây là điều kiện quan trọng tối thiểu nhất để đảm bảo chất lượng giáo dục. Nhiều trường học của huyện đã được xây dựng khá khang trang, sạch đẹp, tạo được bước tiến mới trong việc phục vụ công tác dạy và học của GV và HS trong giai đoạn mới.

Trong 5 năm qua huyện K’Bang đã huy động nhiều nguồn kinh phí lồng ghép để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị, các dụng cụ khác phục vụ cho giảng dạy và học tập gần 100 tỷ đồng. Đã xây dựng được 13 trường học kiên cố, cao tầng khang trang. Đáng chú ý, trong đó có trường THPT mang tên Anh hùng Núp. Trang bị hàng trăm máy vi tính cho các nhà trường, từng bước đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy. 

Trưởng phòng Vương Thị Hội đã đưa chúng tôi đến thăm xã Đông, một xã đã được công nhận hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi trong năm 2012. Trường Mẫu giáo xã Đông, ngôi trường đã Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc. Toàn trường có 8 lớp với tổng số gần 200 HS, trong đó có 2 lớp MN 5 tuổi với 70 HS. Tuy cơ sở vật chất, phòng học nơi đây mới chỉ đáp ứng nhu cầu, nhưng cán bộ, GV của trường đã hết sức nỗ lực phấn đấu, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ. 

HS lớp 5 tuổi trường Mẫu giáo Xã Đông. Ảnh, gdtd.vn
 HS lớp 5 tuổi trường Mẫu giáo Xã Đông. Ảnh, gdtd.vn  

Toàn trường có 4 điểm trường lẻ và 1 trường chính. Thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời của trường được trang bị đầy đủ. Có được như vậy là do những nỗ lực của GV và nhân dân nơi đây đã góp công, góp của để cùng với nhà trường chăm lo đến việc học của trẻ. Đồ dùng, đồ chơi của trường được nhà nước đầu tư trang bị đến đâu, những đồ chơi còn thiếu, hàng năm nhân dân đóng góp, sắm sửa trang bị thêm cho trẻ có điều kiện học tập.

Nằm ngay cạnh Trường Mẫu giáo Xã Đông là trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu của xã. Ngôi trường nằm trong khuôn viên rợp cây xanh bóng mát. Phó hiệu trưởng nhà trường, cô Phạm Thị Hoàn cho biết, những năm trước đây HS nhà trường phải học trong điều kiện thiếu phòng học và phòng học cấp 4 xuống cấp không đảm bảo diện tích và ánh sáng... 3 năm trước, nhà trường được hưởng lợi từ Đề án KCH một dãy nhà lớp học 8 phòng. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2010 đã khắc phục khắc phụ tình trạng thiếu phòng học của trường. 

Theo chị Hội, những năm trước đây, giáo dục K’Bang còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Nhưng gần đây, nhờ có Đề án KCH của Chính phủ, cơ sở vật chất trường, lớp học của K’Bang đã cơ bản xóa được tình trạng phòng học 3 ca, phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp; đại đa số GV ở các trường vùng sâu, vùng nhà xa trường có nhu cầu ở nhà công vụ đã có nhà công vụ để ở nên đã rất yên tâm công tác, bám trường, bám lớp. HS đã có lớp học khang trang đầy đủ khu vui chơi, học tập, có nhà vệ sinh sạch sẽ, hợp vệ sinh.

Riêng ở bậc học mầm non, K’Bang chỉ còn 1 xã khó khăn là chưa được dạy bán trú. Còn lại tất cả các xã khác đều đã phấn đấu dạy học bán trú cho các cháu đến tận các điểm trường ở làng. Nhu cầu gửi trẻ bán trú của người dân nơi rất lớn. Để đáp ứng được nhu cầu đó, cần có đủ trường, lớp học. Đề án kiên cố hóa đã giúp K’Bang giải quyết được bài toán khó này, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện này tiến tới phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015.   

Thêm vào đó, để tạo điều kiện cho các em HS nghèo, HS khó khăn được tham gia học tập, hàng năm ngân sách tỉnh Gia Lai đã chi hỗ trợ cho HS bán trú dân nuôi từ lớp 4 đến lớp 6 mỗi tháng 90.000 đ/HS. Riêng năm học 2011-2012 tại huyện K’Bang đã được thành lập 4 trường PTDT bán trú với 1.043 HS; cấp 692 triệu đồng tiền hỗ trợ học tập cho HS bán trú.

Các ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn huyện, tỉnh và cả nước tài trợ hàng trăm suất học bổng, quần áo, xe đạp để các em có điều kiện đến trường tham gia học tập. Chính những điều này đã giúp giáo dục của huyện nhà ổn định quy mô, sĩ số HS, duy trì tỉ lệ chuyên cần ở mức cao. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng của các hoạt động giáo dục đại trà và mũi nhọn. 

Khu nhà lớp học khang trang mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng của trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, công trình sử dụng vốn trái phiếu chính phủ của ĐỀ án KCH. Ảnh, gdtd.vn
Khu nhà lớp học khang trang mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng của trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, công trình sử dụng vốn trái phiếu chính phủ của ĐỀ án KCH. Ảnh, gdtd.vn

Lá cờ đầu của giáo dục tỉnh Gia Lai

Năm học 2011-2012, toàn huyện có 48 đơn vị trường học với 621 lớp và tổng số 15.516 HS, trong đó có HS là người dân tộc thiếu số: 8.489. Công tác duy trì sĩ số HS bình quân đạt 98,5%; HS xếp loại hạnh kiểm đầy đủ đạt 98,7%, xếp loại học lực trung bình trở lên bình quân đạt 95,1%; 100% HS học 2 buổi/ngày kết quả học tập đạt từ trung bình trở lên, trong đó HS khá, giỏi chiếm 94%. HS tốt nghiệp THCS đạt 99,15%, HS học hết chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 100%. Tỉ lệ trẻ trong độ tuổi huy động ra lớp đạt 99,1%; Duy trì sĩ số ra lớp đạt 98,5%. Toàn huyện  có 14/14 xã, thị trấn hoàn thành PCGDTH đúng độ tuổi, PCGDTHCS; 100% xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng; 

Trong năm học vừa qua, ngành giáo dục huyện nhà đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011-2015, triển khai kế hoạch thực hiện phổ cập năm 2012, chỉ đạo cho các nhà trường lập thủ tục hồ sơ theo qui định để đề nghị kiểm tra công nhận 06 xã, thị trấn hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi trong năm 2012.

Hiện K’Bang đang là một trong những lá cờ đầu của giáo dục tỉnh Gia Lai. Các hoạt động giáo dục đại trà và mũi nhọn của huyện luôn đạt được nhiều thành tích cao trong nhiều năm nay. Trong 3 năm qua (từ năm 2009 đến nay) đã có 667 HS giỏi cấp huyện, 204 HS giỏi cấp tỉnh. Nhiều năm liền đội HS giỏi tiểu học dẫn đầu tỉnh Gia Lai; Đội HS giỏi bậc THCS, THPT dự thi cấp tỉnh, thi HS giỏi giải toán trên máy tính cầm tay xếp giải cao toàn tỉnh.

Riêng năm học 2011-2012 có 238 HS đạt HS giỏi, HS năng khiếu cấp huyện; 62 HS đạt HS giỏi cấp tỉnh; 03 HS đạt HS giỏi cấp quốc gia. Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, tiểu học Kim Đồng, THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS Lê Quý Đôn, THCS Lê Hồng Phong, THPT Lương Thế Vinh là những đơn vị đạt thành tích nổi bật trong phong trào bồi dưỡng HS giỏi, HS năng khiếu.

Chăm lo phát triển đội ngũ

Có được thành tích đó, ngoài điều kiện thiết yếu là cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học, K’Bang luôn chú trọng đến chăm lo, phát triển đội ngũ GV; Coi trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, GV nhằm tăng cường tỷ lệ đạt trình độ đào tạo trên chuẩn, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và nâng cao chất lượng toàn diện.

Hiện toàn huyện có tổng số 1.048 cán bộ GV, nhân viên. Tỷ lệ GV đạt chuẩn, vượt chuẩn ngày càng được nâng lên. 100% GV ở các bậc học đều đạt chuẩn về trình độ theo quy định. Tỉ lệ GV vượt chuẩn ngày càng cao: ở bậc học Mầm non tỉ lệ vượt chuẩn đạt 39,8%; tiểu học đạt 59,3%, THCS đạt 32,0%. 

Cán bộ cốt cán và giáo viên của Gia Lai trong một đợt tập huấn PCGDMN cho trẻ năm tuổi. Ảnh, gdtd.vn
Cán bộ cốt cán và giáo viên của Gia Lai trong một đợt tập huấn PCGDMN cho trẻ năm tuổi. Ảnh, gdtd.vn

Đa số cán bộ, GV tuy công tác ở vùng đặc biệt khó khăn so với địa bàn tỉnh, song vẫn luôn giữ vững được phẩm chất đạo đức nhà giáo, tận tụy, hăng say với công việc. Chất lượng dạy và học ở vùng sâu, vùng xa cũng đã có bước chuyển biến rõ rệt. Số lượng GV giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp. Từ năm 2009 đến nay, đã có 367 lượt cán bộ, GV được công nhận chiến sĩ thi đua, GV giỏi các cấp; 2 cán bộ, GV được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 16 lượt cán bộ, GV được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen…

Nhờ sự nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng chăm lo cho sự nghiệp trồng người giáo dục K’Bang đang có sức vươn lên mạnh mẽ. Những thành tích của giáo dục nơi đây đã được ghi nhận bằng những phần thưởng thi đua cao quý của tỉnh, của Đảng và Nhà nước trao tặng.

Trong 5 năm qua, toàn huyện đã có 2 trường được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua, 3 trường được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 1 trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; 3 trường và 1 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.  Riêng năm học 2010-2011 có 1 trường tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, 1 trường được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 

Trên đường về, chúng tôi say sưa cảm nhận vẻ đẹp của hoa cúc quỳ đang nở rộ ven đường. Một cán bộ của Sở GD-ĐT Gia Lai cho biết, những năm trước đây, cứ đến chớm đông tiết trời se lạnh, hoa cúc quỳ lại nở vàng rực cả núi đồi Tây Nguyên. Nay ở đây đã có sự đổi thay, màu vàng của hoa cúc quỳ đã nhường chỗ cho màu xanh của những vạt mía đường, những rẫy ngô, sắn và những vạt rừng trồng mướt mắt. Vẫn còn đó hoa cúc quỳ nở vàng trên những đường chia lô, chia rẫy thẳng tắp, nhưng màu vàng của hoa báo hiệu một vụ thu hoạch mía, ngô bội thu cho các công nhân của các nông, lâm trường và người dân nơi đây.

Tôi chợt nhớ đến chia sẻ của trưởng phòng Vương Thị Hội. Cô cho biết, số lượng học sinh là con em của cán bộ, công nhân các nông, lâm trường ở K’Bang là không nhỏ. Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục nên những hộ gia đình này rất quan tâm tạo điều kiện cho con em học tập và nhiều người đã trưởng thành từ đất học K’Bang. Chính các  học sinh này đã như những đầu tàu tạo động lực góp phần thúc đẩy phong trào học tập của mảnh đất này dần khởi sắc vươn lên mạnh mẽ hiện nay như sức sống của loài hoa cúc quỳ.                          

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bác sĩ Nghĩa đọc tên của từng đồng đội đã hy sinh trong khoảng năm 1961 đến 30/4/1975.

Chuyện của người chiến sĩ quân y

GD&TĐ - Kể về những ngày tháng chiến đấu giữa làn đạn bom ác liệt, đôi mắt của người chiến sĩ quân y ánh lên niềm xúc động xen lẫn tự hào.