“Sức sống” thần kỳ của vợ chồng giám đốc nhiễm HIV

Vì đua đòi hút chích, trộm cắp cùng bạn bè nên cuộc đời Tuấn đi theo một ngã rẽ khác: Anh và vợ bị nhiễm H (HIV) từ lúc nào không biết, bị mọi người xa lánh. 

Doanh nghiệp tư nhân “Điểm sáng sức sống mới”.
Doanh nghiệp tư nhân “Điểm sáng sức sống mới”.
Nhưng được sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội từ thiện, anh và những người cùng chung cảnh ngộ đã vượt lên số phận, thành lập doanh nghiệp do chính anh làm giám đốc để nương tựa nhau sống.

Một lần sa ngã

Gặp anh lần thứ hai, tôi vẫn không thể tin được từ một người đang nằm thoi thóp trên giường bệnh, chờ chết mà giờ đây đã trở thành một “ông giám đốc”. Nghị lực và lòng ham sống đã giúp anh đứng lên, dù đang mang trong mình căn bệnh HIV.

Cái tên doanh nghiệp “Điểm sáng sức sống mới” có lẽ không còn quá xa lạ đối người dân xã Mỹ Xuân (Tân Thành, Bà Rịa -Vũng Tàu). Nhắc tới ai cũng biết đó là doanh nghiệp của những người có H. Đặc biệt hơn nữa, vợ chồng chủ doanh nghiệp cũng là người đang mang trong mình căn bệnh chết người. 

Với những người có H, cái chết có lẽ chỉ là câu trả lời sớm hay muộn, mọi thứ dường như đã được an bài. Tuy nhiên với anh Phạm Ngọc Tuấn thì không. Anh vẫn đang đấu tranh từng giây từng phút để giành lấy sự sống. Chẳng những vậy, anh còn là niềm hi vọng, là điểm tựa của nhiều người trong xã có hoàn cảnh giống như anh.

Vừa pha trà, anh vừa tâm sự về nguyên nhân dẫn tới căn bệnh đang mang trong mình: Thời thơ ấu của anh gắn liền với cuộc sống ở phường Cầu Kho (quận 1, TPHCM). 

Hẻm nhà anh thường xuyên có cảnh cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp. Phần vì tò mò, phần vì những vui buồn của cuộc sống, đã có đôi lần anh hút, hít ma túy nhưng không nghiện. 

Lúc này anh vẫn nghĩ mình không bị H vì anh vẫn khỏe mạnh như người bình thường. Một thời gian sau, anh đi làm cho một công ty tại Khu công nghiệp Phú Mỹ (huyện Tân Thành), gặp và lấy bà xã nhà anh bây giờ. Cho tới giờ, anh cũng không biết mình bị lây nhiễm từ đâu.

Năm 2011, sau một trận sốt kéo dài gần 2 tuần, anh sút cân nhanh chóng, người chỉ còn da bọc xương. Anh được đưa vào bệnh viện. Cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay mà anh không tin nổi vào mắt mình. Kết quả xét nghiệm dương tính HIV khiến đầu óc anh quay cuồng đảo lộn. 

Biết mình mang bệnh không thể chữa lành, tinh thần anh suy sụp, anh quyết định xin về nhà và chờ đợi cái chết. Lúc ấy cân nặng của người thanh niên ngoài đôi mươi chỉ có 35 kg. 

Anh nghĩ rồi mình sẽ giống như người em trai đã mất vào năm 2003, cũng vì căn bệnh HIV. Sự mặc cảm, tự ti bủa vây lấy anh, đi đâu anh cũng rụt rè, không dám ra ngoài, không dám tiếp xúc với người khác dù là hàng xóm, mọi thứ chỉ dừng lại ở bốn bức tường trong căn phòng u tối. 

Anh em trong gia đình lúc đó còn thấy sợ, kỳ thị với anh. Đó là những tháng ngày khó khăn nhất trong cuộc đời mà anh không thể nào quên được.

Mọi chuyện chưa dừng lại khi người vợ hiền của anh cũng phải chịu chung số phận giống như anh. Cầm kết quả xét nghiệm, sự phẫn uất căm thù lẫn thương cảm người chồng nằm thoi thóp trên giường bệnh cứ giằng xé trong con người chị. 

Cuối cùng, lòng vị tha và sự thương cảm đã chiến thắng, chị chăm sóc anh từng ngày từng giờ, cùng nhau bắt đầu lại. Vài tháng sau, sức khỏe anh có những dấu hiệu bình phục. 

Khi đến công ty cũ để xin đi làm tiếp, anh thẳng thắn nói tình trạng bệnh tật của mình với giám đốc và không nằm ngoài dự đoán, anh bị buộc thôi việc với lý do sức khỏe không đảm bảo. Vợ chồng anh rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp và bế tắc.

Anh Tuấn (áo trắng) trong một buổi tập huấn kiến thức cho những người bị H trong nhóm.
Anh Tuấn (áo trắng) trong một buổi tập huấn kiến thức cho những người bị H trong nhóm.
Vượt lên để sống tốt

Thật bất ngờ, anh gặp được bác sĩ Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Thành. Bác sĩ Hiền đã đưa anh đến với Tổ chức COHED - Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS. 

Anh và một số người được tham gia một số lớp tập huấn về căn bệnh đang mang, từ đó anh hiểu biết nhiều hơn và ý chí muốn sống cũng đi lên. 

Được sự giúp đỡ của Trung tâm Y tế huyện Tân Thành và dự án COHED, vợ chồng anh và một số bạn bè cùng cảnh ngộ lập ra nhóm tự lực có tên “Sức sống” do chính anh làm trưởng nhóm.

Trong lúc khó khăn bế tắc, không công ăn việc làm, vợ chồng anh nảy ra một quyết định vô cùng táo bạo - thành lập doanh nghiệp của những người có H. 

Ý tưởng đó trên dựa trên sức mạnh đoàn kết của tập thể, của những người bị H vốn đã “thua thiệt” về nhiều mặt, để gắn kết mọi người và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống.

Nói thì dễ nhưng làm mới khó, doanh nghiệp của người bình thường lập ra và tồn tại được trong thời buổi kinh tế đang có diễn biến phức tạp như hiện nay đã là một điều không mấy dễ dàng. 

Đằng này lại là doanh nghiệp của những người có H, anh Tuấn cũng chưa từng học qua một lớp đào tạo nào về kinh doanh. Điều quan trọng nhất vẫn là nguồn vốn để thành lập doanh nghiệp, bởi tất cả các thành viên trong nhóm đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Nhưng rồi mọi khó khăn cũng dần qua đi, mọi người trong nhóm cùng nhau chung sức góp vốn, vợ chồng anh Tuấn vay mượn thêm, ngày 7/12/2013 doanh nghiệp mơ ước của cả nhóm ra đời với cái tên “Điểm sáng sức sống mới”. 

Doanh nghiệp của anh Tuấn hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh nhà cửa, các công trình; chăm sóc, duy trì cảnh quan; bốc xếp hàng hóa, buôn bán vật liệu, thiết bị trong xây dựng; buôn bán hàng lương thực, thực phẩm tổng hợp. 

Hiện tại, DN có trên 10 người lao động, đều là các thành viên trong nhóm. Thành quả bước đầu là 6 người trong nhóm đã được anh giới thiệu và có việc làm ổn định, những người anh giới thiệu đều được kiểm tra sức khỏe trước khi giao công việc. Ngoài ra, anh Tuấn cũng đã ký kết được một số hợp đồng mới.

Không chỉ đơn thuần là một doanh nghiệp, nơi đây còn là chỗ sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống của các thành viên trong nhóm. 

Anh Tuấn chia sẻ bí quyết chống lại căn bệnh chết người, đó chính là yếu tố tinh thần. Nếu một người không có bệnh mà suốt ngày ủ rũ, buồn bã thì cũng sẽ sinh bệnh. 

Còn với những người như anh, luôn cởi mở, vui tươi cộng thêm việc sinh hoạt và uống thuốc đầy đủ thì vẫn khỏe như người thường. Anh cho biết, bữa trước có một đôi vợ chồng người dân tộc, cả hai đều bị nhiễm bệnh và sức khỏe rất yếu. 

Lúc đầu mới tham gia nhóm, họ như người bị bệnh tự kỷ, chẳng nói năng gì cả, hai ngày đầu tới trụ sở của nhóm cứ ngồi mãi ngoài cửa không chịu vào nhà. Dần dần, được mọi người động viên, giúp đỡ, họ trở nên vui vẻ yêu đời và hòa đồng hơn, sức khỏe cũng được cải thiện đáng kể.

Trong câu lạc bộ của anh, đối tượng được anh quan tâm hơn cả đó là những đứa trẻ. Có đứa mất cha, có đứa thì mất mẹ, có đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ, họ hàng cũng xa lánh. Bù lại chúng rất ngoan, chăm uống thuốc điều trị. 

Chúng là những đứa trẻ vô tội đáng thương, mới 6, 7 tuổi đã mang mầm bệnh chết người, thậm chí chúng có thể không hiểu hết về căn bệnh mà chúng đang mang. Phần lớn những đứa trẻ này có đời sống khó khăn, phải đi bán vé số, đánh giày nuôi thân.

Điều khiến anh trăn trở nhất vẫn là sự kỳ thị của xã hội đối với những người có H giống như anh. Anh dẫn chứng bằng một câu chuyện: “Hôm trước có một công ty xây dựng muốn ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp của tôi. 

Sau khi đã khảo sát nguồn nhân lực và máy móc thì đã đi đến giao ước là sẽ ký hợp đồng. Tuy nhiên khi mình nói thẳng với họ những lao động của mình là những người dễ “bị tổn thương”, nghe thấy vậy họ đi luôn và không trở lại nữa”. 

Anh thật sự cảm thấy buồn vì điều đó, vì thiếu hiểu biết về căn bệnh HIV nên một số người đã kỳ thị, phân biệt đối xử với những người có H - điều này vô tình đã cắt đi con đường sống của người bệnh.

Theo laodong.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ